leftcenterrightdel
Bác sĩ Đỗ Minh Loan tư vấn cho cha mẹ cách hỗ trợ và chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi quay lại trường. Ảnh: LÊ HIẾU 

Việc các em học sinh được đến trường học trực tiếp đồng nghĩa cả nước đã tiến thêm một bước dài trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Sau một thời gian dài học tập tại nhà, các cấp tiểu học, THCS, THPT sẽ quay trở lại trường học khi đại dịch Covid-19 dần ổn định. Đây là niềm vui nhưng cũng là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh, không chỉ vì dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn mà còn vì sự thay đổi tâm lý của trẻ. Chia sẻ với báo chí, bác sĩ Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Khi đi học trở lại, cuộc sống và sinh hoạt của trẻ có nhiều thay đổi do trước đó trẻ đã ở nhà thời gian dài. Tùy độ tuổi, tâm lý của trẻ sẽ có biến động khi chuyển từ môi trường này sang môi trường khác và gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn thời gian đầu quay trở lại trường. Ở lứa tuổi THCS, THPT, việc trở lại trường học có phần dễ dàng hơn vì trước đó trẻ đã có thời gian dài học trực tiếp, vui chơi cùng thầy cô, bạn bè. Tuy nhiên, giai đoạn đầu học trở lại, các em vẫn gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Bác sĩ Đỗ Minh Loan chia sẻ về tâm sự của một nữ học sinh lớp 7: “Lần đầu tiên sau gần 9 tháng học ở nhà, khi quay lại trường, con cảm thấy mọi thứ đều xa lạ, con gần như không muốn nói chuyện với các bạn. Cảm giác này chưa bao giờ con trải qua kể từ khi học lớp 1 đến nay”. Bố mẹ nữ học sinh đó cũng đã gọi điện đến bác sĩ để được tư vấn khi thấy con có dấu hiệu chán nản, không muốn đến trường.

Cũng theo bác sĩ Đỗ Minh Loan, để trẻ có thể nhanh chóng trở lại nhịp sống bình thường khi đến trường thì vai trò của cha mẹ vô cùng quan trọng. Ngoài trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để phòng dịch, cha mẹ cần chuẩn bị cho trẻ về mặt tâm lý trước và trong những ngày đầu đi học lại. Khi thấy trẻ có biểu hiệu bất thường về tâm lý, cha mẹ không giải quyết được thì nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, hỗ trợ, tránh để lâu ảnh hưởng đến quá trình học tập của trẻ sau này.

Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác, không thể để học sinh học trực tuyến mãi. Do đó, để ứng phó hiệu quả với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các nhà trường đều xác định thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi đi học trực tiếp là nhiệm vụ trọng tâm. Học sinh đến trường được kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay, phân luồng về lớp, 100% học sinh đeo khẩu trang. Các trường cũng duy trì tốt vệ sinh trường lớp, bảo đảm sạch sẽ, trang bị đầy đủ nước rửa tay sát khuẩn, tổ chức khai báo y tế đúng theo quy định, thực hiện tốt "5K" để làm giảm tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng. Ngoài bảo đảm tăng cường miễn dịch bằng vaccine cho trẻ, thiết nghĩ các trường cũng cần có hướng dẫn về cách sinh hoạt, ăn uống cho trẻ; tính toán thời gian học tập sao cho hợp lý, để học sinh không bị căng thẳng quá sức.

HÀ VŨ