Thế nhưng, ít ai biết rằng làng bún Phú Đô đã trải qua bao thăng trầm, vất vả, nhọc nhằn để đưa sợi bún từ làng lên phố và nức tiếng gần xa như ngày hôm nay.
Khi niềm tự hào trở thành động lực sản xuất
Cách trung tâm Hà Nội 10km về phía Tây, đến với làng Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chúng tôi không khó để tìm được những hộ gia đình đang sản xuất bún. Theo lời giới thiệu của bà con trong làng, chúng tôi dừng chân ghé thăm gia đình ông Nguyễn Thành Phương, bà Ngô Thị Nga, gia đình có truyền thống làm bún đã 3 đời.
Bà Nga đi chợ Châu Long bán bún vẫn chưa về, ông Phương vừa luôn tay luôn chân làm mẻ bún chiều vừa tiếp chuyện chúng tôi. Ông kể, trước kia gia đình ông làm ruộng, sau đó đô thị hóa, đất canh tác không còn, ông chuyển sang làm thợ xây, nhưng nghề thợ xây nay đây mai đó, vừa vất vả lại chẳng đủ ăn nên ông bỏ nghề. Hai ông bà bàn nhau mua máy móc về làm bún, quay lại nối nghề của cha ông. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm bún, từ nhỏ đã được cùng cha ngâm gạo, xay bột, vắt bún đem chợ bán, ông Phương ít nhiều có được kinh nghiệm làm nghề nên ông càng có động lực nối lại nghề của ông cha mình.
Đến nay gia đình ông Phương đã làm bún hơn chục năm, mỗi ngày ông bà làm ra 7 tạ bún các loại, xuất đi các nhà hàng, quán ăn, hàng xóm đến lấy về bán lẻ, còn lại mỗi ngày bà Nga đem 200kg ra chợ Châu Long bán.
Ông Phương cẩn trọng trong từng khâu làm bún.
Làm ra một khối lượng bún không nhỏ nhưng ông Phương bà Nga không thuê nhiều nhân công về làm như những hộ gia đình khác, ông chỉ thuê một người trong làng vắt bún. Ông và vợ là 2 người làm chính, những lúc bà Nga đi chợ bán bún, công việc tại xưởng ông Phương đảm nhiệm hết. Ông bảo: “Mang tiếng mỗi ngày xuất ra 6,7 tạ bún nhưng trừ chi phí đi mỗi ngày chỉ được vài ba trăm nghìn nên ông không dám thuê nhiều nhân công về làm. Công việc này vốn vất vả từ xưa, phải có xưởng lớn thì còn có đồng lãi chứ xưởng trung bình như gia đình ông cũng chỉ đủ ăn, nhưng là cái nghề truyền thống của làng nên ông bà lấy niềm vui, niềm tự hào làm động lực mà làm tiếp”.
Song, nghề nào cũng có những khó khăn, thăng trầm, ông Phương không quên kể lại quãng thời gian mà cả làng bún Phú Đô điêu đứng như ngồi trên đống lửa. Đó là giai đoạn có thông tin sai sự thật về quy trình sản xuất bún không đảm bảo vệ sinh an toàn, bún chứa nhiều chất bảo quản, chứa hàn the, bún được tẩy trắng… khiến cho nhu cầu thị trường giảm sút, hàng tạ bún làm ra mỗi ngày không thể tiêu thụ. Rồi những ngày mưa bão bà Nga không đi chợ được, ông bà đành ngậm ngùi đổ đi hàng trăm ki-lô-gam bún mới vắt. Ông chia sẻ: “Bún nguyên chất không dùng chất bảo quản nên chỉ giữ được 2 ngày là nhiều, không ăn được thì chỉ có nước đổ, không bán cho ai cả. Chúng tôi là người lao động, buôn bán nhưng cũng có cái tâm trong nghề, không tham cái lợi trước mắt mà làm hỏng thương hiệu bún sạch Phú Đô lâu năm của ông cha”.
Thành quả xứng đáng cho người yêu nghề
Trong căn nhà 2 tầng với 3 thế hệ sinh sống, ngay phòng khách, ông Phương nâng niu và ưu ái treo những tấm giấy khen “Nhân dân tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh” được UBND phường Phú Đô trao tặng qua các năm, ông cũng không giấu khỏi niềm tự hào khi khoe với chúng tôi những bức ảnh làm bún được các nhiếp ảnh gia đến chụp, những lần được phóng viên đến ghi hình, phỏng vấn.
Để giúp đỡ, trau dồi kinh nghiệm sản xuất bún, ông Phương và các hộ gia đình làm bún trong làng đã thành lập Câu lạc bộ Bún Phú Đô. Hàng tháng, các thành viên trong Hội họp lại với nhau, chia sẻ những bí quyết làm ra sợi bún thơm ngon, chất lượng nhất, các hộ cũng giúp đỡ nhau khắc phục những khó khăn về tài chính, máy móc và tìm nguồn tiêu thụ bún.
Bún Phú Đô thơm ngon, hấp dẫn thực khách.
Ông Phương chia sẻ: “Làm ra sợi bún ngon đúng “chuẩn” Phú Đô đâu phải chuyện đơn giản. Có khi cả làng dùng chung một loại gạo, một quy trình, nhưng “Sai một ly đi một dặm”, chỉ cần chênh lệch về nhiệt độ hay thời gian ủ gạo vài tiếng thôi là những sợi bún của nhà này có thể dai hơn, sợi bún nhà kia lại trắng hơn. Cho nên chúng tôi mới lập ra câu lạc bộ này để góp ý cho nhau, cùng làm ăn cùng phát triển làng nghề”.
Đến nay, làng Phú Đô có khoảng 260 hộ gia đình sản xuất bún, mô hình Hợp tác xã làng bún có 926 thành viên, mỗi ngày sản xuất 80-90 tấn bún. Bún sản xuất ra được bà con và thương lái đến lấy về bán lẻ và xuất bán cho các doanh nghiệp, công ty thực phẩm. Ngoài ra, nhân dân làng Phú Đô còn làm bún khô, bún hút chân không có thể bảo quản trong 7 ngày, bún nghệ thuật dùng cho các nhà hàng, tiệc cưới hỏi… Sợi bún Phú Đô đi đâu cũng được thực khách ưu ái chọn lựa bởi sợi bún vừa trong vắt, đẹp mắt vừa dẻo dai thơm nức mùi gạo lại an toàn không chất bảo quản.
Trải qua bao thăng trầm, khó khăn, thử thách, bà con đã nhận lại được những “Quả ngọt trái bùi”, bún Phú Đô đã và đang khẳng định được chất lượng, thương hiệu, xứng đáng là nét ẩm thực độc đáo của ẩm thực Hà Thành.
Bài, ảnh: HÀ THƯƠNG