Bức tranh toàn cảnh
Huyện Ba Vì có 113 trường học, trong đó bậc mầm non có 43 trường; tiểu học 35 trường; phổ thông cơ sở có 35 trường... Tổng số có 1.997 nhóm lớp với hơn 64.300 học sinh.
Với giáo dục mầm non, 100% nhà trường tổ chức ăn bán trú cho trẻ; tỷ lệ tham gia uống sữa học đường đạt 98%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, nhẹ cân đều giảm, nhà trẻ còn 2,5%, mẫu giáo còn 3,4%.
Kết quả đánh giá năm học 2018-2019 ở bậc tiểu học cho thấy, số học sinh có phẩm chất tốt và đạt chiếm tỷ lệ 99,8% (tốt chiếm hơn 60%); năng lực học sinh tốt và đạt chiếm hơn 99,5%. Hơn 99% trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học.
    |
 |
Giờ ra chơi của các em học sinh Trường Trung học cơ sở Tây Đằng, huyện Ba Vì. |
Các trường trung học cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học; tích hợp giáo dục theo bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh Hà Nội"; tích hợp giảng dạy bộ tài liệu "Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh"... Kết quả năm học: Học sinh có hạnh kiểm tốt chiếm 91,28%; học lực giỏi là 22,8%... Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học lớp 10 là 93%, trong đó có 71,7% vào học các trường công lập. Số học sinh dự thi trung học phổ thông lấy kết quả xét, tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chiếm tỷ lệ 61,2 %.
Năm học vừa qua, học sinh lớp 9 của huyện tham gia thi học sinh giỏi cấp thành phố (các môn văn hóa, khoa học-kỹ thuật) đoạt 89 giải, trong đó có 10 giải nhất.
100% đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn.
Những con số nêu trên chứng tỏ Ba Vì đã có được những chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục-đào tạo, song với những người trong cuộc thì phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, áp lực.
Những vướng mắc
Đồng chí Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì cho rằng, tỷ lệ các cháu nhà trẻ đến với cấp học mầm non còn thấp so với mặt bằng chung của thành phố; tỷ lệ học sinh trung học cơ sở được học hai buổi/ ngày chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng, chất lượng giáo dục; công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, tham gia học nghề chưa như mong muốn; chất lượng học sinh tham gia thi tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông còn thấp; tình trạng mất cân đối và thiếu giáo viên cục bộ trong các trường học vẫn tồn tại; một bộ phận cán bộ quản lý còn hạn chế về năng lực, thụ động trong công việc nên chưa theo kịp được tiến trình đổi mới, quản lý giáo dục...
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhiều trường còn thiếu phòng học chức năng, phòng học bộ môn, phòng đồ dùng thiết bị dạy học; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia trên địa bàn còn thấp; phòng học còn thiếu, vẫn còn không ít phòng học cấp 4 và đặc biệt vẫn còn lớp học tạm...
Khoảng sáng phía trước
Đồng chí Đỗ Mạnh Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì xác định, những khó khăn, vướng mắc kể trên, một mình ngành giáo dục-đào tạo không thể tháo gỡ mà các cấp chính quyền, các ngành cần vào cuộc một cách quyết liệt. Trước mắt, huyện Ba Vì kiến nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên của huyện. Đề nghị trên cấp kinh phí để xóa bỏ phòng học tạm, phòng học cấp 4. Tạo thuận lợi để xã hội hóa cơ sở vật chất trong các trường học...
Về phần mình, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các trường học, các thầy cô giáo cần thâm nhập các gia đình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các em học sinh, nhằm hạn chế tối đa các trường hợp bỏ học; tìm cách vận động phân luồng học sinh, phấn đấu có 40% (hiện nay là 18%) các em sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học trường nghề.
Huyện Ba Vì đang kêu gọi các doanh nghiệp (cơ khí, dịch vụ...) liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp để đào tạo, tạo "đầu ra" cho các em học sinh... Nếu các bước đi kể trên thành công sẽ tạo thuận lợi cho công tác giáo dục-đào tạo ở huyện Ba Vì sớm khởi sắc.
Bài và ảnh: NAM THẮNG - TIẾN PHÚ