Trước Cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp xây dựng, phát triển 4 địa điểm nghỉ dưỡng ở Việt Nam, đó là Đà Lạt, Tam Đảo, Sa Pa và Ba Vì. Khá ngạc nhiên trong khi ba trong bốn địa điểm du lịch nói trên phát triển mạnh, thì Ba Vì dường như vẫn chưa thực sự “tỉnh giấc”, cảm giác vùng đất này vẫn như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, còn nhiều điều ẩn giấu trong rừng già thăm thẳm.

leftcenterrightdel
Mây trắng bồng bềnh trên đỉnh Tản Viên

Nhiều người hay bảo ở Hà Nội chẳng biết đi đâu, rồi thì đi một vòng đã hết chỗ thăm thú. Xin thưa, đó là đi du lịch kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, du lịch… lớt phớt. Còn nếu bạn thực sự có thời gian, muốn khám phá cảnh quan núi rừng, sông suối, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người Mường, người Dao… thì mời bạn Ba Vì thẳng tiến. 

Vùng núi Ba Vì có khí hậu mát mẻ, không khí trong lành. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cả bức tranh sơn thuỷ hữu tình, với hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng, được coi là “lá phổi xanh” phía Tây Thủ đô Hà Nội. Nơi đây có rất nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, gắn liền với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như: Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, hồ Tiên Sa, Thiên Sơn - Suối  Ngà, Khu du lịch Tản Đà, Thác Đa...

Đấy là du lịch thuần túy, còn du khách muốn khám phá du lịch đồng quê, du lịch trang trại, thậm chí là du lịch… mạo hiểm thì cũng xin mời Ba Vì xe ta bon bon. Chỉ mất gần 2 tiếng từ trung tâm phố cổ, chợp mắt một lúc là du khách đã được hít thở bầu không khí trong lành khi đặt chân đến Ba Vì.

leftcenterrightdel
Nhà thờ cổ Ba Vì là địa điểm được nhiều bạn trẻ “check in”

Rất nhiều du khách đến Ba Vì đã thích thú với điều kiện thời tiết nơi đây. Tam Đảo, Sa Pa, Đà Lạt đẹp, hút khách là chuyện không phải bàn cãi; nhưng có một điều khiến du khách thoạt tiên rất thích nhưng sau lại hơi e ngại ở 3 địa điểm trên, đó là độ chênh nhiệt độ quá lớn. Vào đúng tiết trời này, nếu bạn lên Tam Đảo (tính khoảng cách địa lý gần trung tâm phố cổ Hà Nội cho dễ so sánh với Ba Vì), bạn sẽ phải co ro trong chăn bông, đêm ra ngoài khoác áo bông, áo lạnh. Sáng ra thấy sương len lỏi vào phòng thì thích chí, mở toang cửa sổ cho sương phả hơi lạnh vào da vào thịt. Nhưng tin rằng, chỉ sau vài pha há mồm nuốt sương, bạn sẽ rất hãi bởi thân nhiệt nhanh chóng giảm xuống. Nhưng Ba Vì thì tiết trời mát lạnh se se dìu dịu, rất biết cách chiều lòng du khách vì nơi cao nhất ở đây, đỉnh Vua, độ cao chỉ xấp xỉ 1.300m. Bên cạnh đó, đường lên núi Ba Vì thoai thoải, không quá dốc, không quá khó đi lại, thành ra nói Ba Vì được lòng cả người già lẫn con trẻ là vì thế. Vậy đã đáng để bạn đến với cái nôi của huyền thoại Sơn Tinh - Thuỷ Tinh? Chưa đáng? Vậy thì chúng tôi lại tiếp chuyện…

Ba Vì là nơi có mạng lưới thủy văn hết sức độc đáo, xung quanh được bao bọc, chở che bởi sông Hồng và sông Đà. Ngoài ra, trong khu vực còn có hơn mười dòng suối to nhỏ bắt nguồn từ trên đỉnh chảy núi xuống, mùa mưa lượng nước lớn tạo ra các thác nước đẹp như thác Ao Vua, thác Ngà, thác Khoang Xanh... Đứng trên đỉnh núi Ba Vì, bạn có thể quan sát được toàn cảnh non nước của vùng. Phía Tây là dòng sông Đà chảy sát chân núi. Phía Đông là hồ Đồng Mô, phía Bắc là hồ Suối Hai, xa hơn là dòng sông Hồng. Tất cả đã góp phần tạo nên một cõi giang sơn cẩm tú. Lại ước có dù lượn, bay lên trời xanh Ba Vì như cánh chim, để thu vào tầm mắt bức tranh sơn thủy hữu tình nơi đây.

leftcenterrightdel
Đền Thượng thu hút du khách quanh năm

Du khách ai có thể lực tốt, nhiều thời gian, nên đi thăm Vườn Quốc gia Ba Vì, leo lên các đỉnh núi như đỉnh Vua, đỉnh Tản Viên, đỉnh Ngọc Hoa. Từ đây có thể quan sát cả một vùng đồng bằng rộng lớn với đồng ruộng, thành phố, làng mạc, sông hồ. Nhưng có lẽ phải bay dù lượn, du khách mới cảm nhận được rõ ràng ba đỉnh núi vươn lên giữa trời xanh. Chính đỉnh Vua (cao 1.296m), đỉnh Tản Viên (cao 1.227m) và đỉnh Ngọc Hoa (cao 1.131m) đã làm nên cái tên “Ba Vì”. Vườn Quốc gia Ba Vì nằm trọn trong khối núi đồ sộ này, kéo dài tới tận đỉnh Viên Nam thuộc Hòa Bình, là nơi để du khách thỏa sức leo trèo, bách bộ, ngắm nhìn từng gốc cây ngọn cỏ cũng thấy tĩnh tâm, thêm yêu đời.

Núi Ba Vì tương truyền là nơi hóa thân của Đức thánh Tản Viên Sơn Tinh, vị thánh đứng đầu “Tứ bất tử” trong tâm thức người Việt. Để ghi nhớ công lao trị thủy của Đức Thánh Tản Viên, nhân dân lập Đền thờ Ngài trên đỉnh Tản Viên, tục gọi là Đền Thượng. Thắp nén nhang trên Đền Thượng, bạn nên xuống núi sớm một chút bởi vào tầm chiều, sương kéo xuống rất nhanh, khiến cảnh vật u u minh minh không dành cho người yếu tim. Nếu không vội xuống núi ngay, du khách có thể cắm lều ngủ qua đêm, đồng thời thưởng thức bữa cơm chay nơi Đền Thượng; sáng ra tự thổi cơm nếp ăn với muối vừng, nhâm nhi chút cà phê ngắm nhìn mây trắng bảng lảng trên đỉnh Tản Viên, kể cũng là thú vui tao nhã.

Bài và ảnh: KHOA MINH