Nét đẹp văn hóa của dân tộc

Lễ cúng ông Công, ông Táo là một phong tục thuần Việt có từ thời Vua Hùng dựng nước, được truyền lại qua nhiều thế hệ và giữ gìn đến hôm nay. Cứ nhằm ngày 23 tháng Chạp hằng năm, nhà cửa, ban thờ tổ tiên đều được các gia đình dọn dẹp sạch sẽ. Tiếp đó làm một mâm cỗ mặn với đầy đủ xôi, gà, giò…, ba bộ quần áo, mũ giày, vàng mã, ba ông cá chép sống sẽ được chuẩn bị để tiễn Táo quân về chầu trời nhằm báo cáo lại những thành quả, khó khăn của năm cũ và ước muốn, hy vọng cho một năm mới tốt đẹp hơn.

leftcenterrightdel
Tình nguyện viên tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân khi đi thả cá.

Cá chép được cúng vào ngày ông Công, ông Táo dựa trên tích “Cá chép vượt vũ môn và hóa rồng” từ xa xưa truyền lại. Theo truyền thuyết, trong tất cả các loại sống dưới nước chỉ có cá chép là có thể vượt qua vũ môn lên trời và hóa thành rồng được. Ngoài ra, loài cá này cũng là biểu tượng văn hóa của người Việt. Theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp) mới kịp lên thiên đình. Cá được dùng để cúng ngày ông Công ông Táo là loại cá chép đỏ, không nhất thiết là loại cá to nhưng phải là loại cá khỏe mạnh, không bị trầy xước, mất vảy. Số lượng cá cúng là 3 cá chép đỏ, nếu cúng nhiều hoặc cúng một cặp cá là chưa đúng. Thả cá cũng cần phải đúng cách. Thả cá chép trong ngày ông Công, ông Táo phải thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông hồ để cá có cơ hội sống, đó cũng là hành động thể hiện sự thành kính, thiêng liêng, mang lại những điều tốt lành cho bản thân và gia đình.

Nâng cao ý thức để bảo vệ môi trường

Mặc dù thả cá chép là một nét đẹp văn hóa tâm linh nhưng ngày nay, hoạt động này đang dần bị biến tướng khi có rất nhiều người không phải thả cá mà đổ, ném, quăng cá hoặc ném cả túi nilon đựng cá xuống ao, hồ. Hành động này không những khiến nét đẹp văn hóa bị méo mó mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.

Theo một số nghiên cứu, túi nilon-loại rác thải thường gặp nhiều nhất sau mỗi mùa ông Công ông Táo phải mất từ 500 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy. Khi chôn lấp, túi nilon gây ảnh hưởng tới môi trường đất, nước, còn khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chất độc gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe…

Khác với các năm trước, mùa ông Công ông Táo năm nay, tại nhiều địa điểm của TP Hà Nội đã ghi nhận hình ảnh đẹp về việc ý thức của người dân được nâng cao khi thực hiện nghi lễ thả cá chép.

Theo anh Nguyễn Thế Hưng, thành viên Ban tổ chức sự kiện “Cá Xanh 2019”, Câu lạc bộ Go Green, năm nay, nhìn chung người dân ở TP Hà Nội đã có ý thức bảo vệ môi trường hơn khi mang cá đi thả. Số lượng người mang túi nilon đi thả cá mà không vứt rác đúng nơi quy định chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Để giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường khi thả cá, các thùng rác tự làm, ảnh về thực trạng môi trường để người dân check-in cùng thông điệp “không nilon” và “thả cá dùng hộp” đã được các tình nguyện viên mang đến trưng bày tại những nơi tập trung nhiều người đến thả cá như khu vực Hồ Tây, Hồ Giảng Võ.

leftcenterrightdel
Thả cá bằng chậu để bảo vệ môi trường.

Bà Vũ Thị Bình, Hội Phụ nữ phường Bưởi, quận Tây Hồ cho biết: Năm nay, các thùng để phân loại túi nilon và tro được đặt tại các điểm thả cá ven hồ, thành viên trong Hội Phụ nữ cũng thay phiên nhau trực tiếp hướng dẫn, nhắc nhở người dân bảo vệ môi trường khi thả cá vì vậy mặt hồ cũng sạch sẽ thoáng đãng, không có tình trạng ngập trong rác thải.

Là người dân trực tiếp đi thả cá trong lễ ông Công ông Táo, ông Mai Quang Đức, người dân sống tại khu vực Hồ Tây chia sẻ: “Nhờ được sự chỉ dẫn của các tình nguyện viên, chúng tôi đã biết phân loại rác thải sau khi thả cá, vứt rác thải đúng nơi quy định. Tôi nghĩ việc bảo vệ môi trường là cần thiết, thả cá là một nét đẹp văn hóa của dân tộc, vì vậy chúng ta cũng nên thả cá một cách văn minh, giữ gìn cảnh quan đô thị”.

Mặc dù tình trạng rác thải, đặc biệt là túi nilon thải ra môi trường sau dịp lễ ông Công ông Táo năm nay tại TP Hà Nội đã có sự giảm thiểu đáng kể, tuy nhiên, để giữ môi trường xanh, sạch, đẹp thì vẫn rất cần những hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Hy vọng rằng, với những nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, vào mỗi dịp lễ ông Công ông Táo, nghi thức thả cá sẽ thật sự là một nét đẹp văn hóa và không làm ảnh hưởng đến môi trường...

Bài, ảnh: LAN ANH