Tuy nhiên, song hành với bài toán lớn này còn có một bài toán khác cũng quan trọng không kém là mục tiêu trở thành chính quyền số, chính quyền điện tử. Thế nên, Gia Lâm đang phải căng sức gấp nhiều lần để giải quyết đồng thời hai bài toán chiến lược.

Bài 1: Nỗ lực về đích

Nằm ở cửa ngõ phía Đông của TP Hà Nội, nơi có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đi qua như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên, Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đường thủy sông Hồng, sông Đuống, ga Yên Viên cùng hệ thống đường sắt ngược lên phía Bắc, Đông Bắc và xuôi cảng biển Hải Phòng... nên nhiều năm qua, Gia Lâm được biết tới là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh và là một trong những địa phương năng động trong phát triển kinh tế-xã hội của TP Hà Nội. 

Theo báo cáo của huyện Gia Lâm, từ đầu năm 2019 đến nay, huyện Gia Lâm đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm điều hành thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội gắn với quản lý đô thị. Kinh tế được duy trì ở mức ổn định, tiếp tục phát triển và tăng cao hơn mức cùng kỳ năm 2018, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 10,58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thương mại, dịch vụ tăng 17,18%; công nghiệp, xây dựng tăng 10,43%...  

Tổng thu ngân sách nhà nước có tiến bộ, các chỉ tiêu về thu ngân sách nhà nước đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm của huyện loại trừ kết dư, chuyển nguồn ước đạt 1.829 tỷ đồng, bằng 64% dự toán thành phố và huyện giao, bằng 110,1% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.274 tỷ đồng, bằng 61,8% dự toán thành phố và huyện giao, bằng 121,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 1.464 tỷ đồng, bằng 59,1% dự toán giao. Trong đó chi thường xuyên 699,4 tỷ đồng, bằng 80,4% dự toán giao; chi đầu tư xây dựng cơ bản 764,6 tỷ đồng, bằng 50,8% dự toán giao. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Gia Lâm, đến nay, huyện đã hoàn thành 24/27 tiêu chí cấp quận và đang tập trung tối đa các nguồn lực, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại theo quy định, để sớm trở thành đơn vị cấp quận. 

Trong 16 tiêu chí thành lập phường thì các xã, thị trấn của huyện Gia Lâm cũng đạt được từ 8 đến 13 tiêu chí. Hiện nay huyện Gia Lâm đã có 153/171 thôn, làng, tổ dân phố, cụm dân cư có nhà văn hóa; 100% trạm y tế các xã đạt chuẩn; 58/75 trường đạt chuẩn quốc gia...

Đối với 3 tiêu chí còn lại, huyện đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ hoàn thành. Trong đó, huyện Gia Lâm cơ bản sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng các tuyến đường hạ tầng khung, hoàn thành tiêu chí về giao thông và các tiêu chí xây dựng huyện thành quận. “Thời gian còn lại là cuộc đua nước rút để về đích hết sức quan trọng và quyết liệt. Đó là những thách thức không nhỏ với cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Gia Lâm”, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần khẳng định.

leftcenterrightdel
Vận hành hệ thống lọc tại Nhà máy nước mặt Sông Đuống (huyện Gia Lâm).

Từ đầu năm 2019 đến nay, UBND huyện Gia Lâm đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án và đạt tiến độ đề ra, như: Dự án trụ sở Bộ tư lệnh Hải quân; dự án đường Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng, dự án đường Dương Xá - Đông Dư...

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án huyện Gia Lâm, hết năm 2018, cơ quan này đã hoàn thành nhiều dự án quan trọng đúng tiến độ và đạt chất lượng tốt. Trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, đã hoàn thành 14 dự án trường học trong tổng số 25 dự án trường học được triển khai; hoàn thành 14 nhà văn hóa, di tích; bàn giao đưa vào sử dụng 3 trụ sở cấp xã. Từ năm 2018, Gia Lâm tiếp tục triển khai xây dựng mới 2 trụ sở, 6 trạm y tế các xã. Kế hoạch trong năm 2019, Gia Lâm sẽ triển khai 22 dự án mới đồng thời chuẩn bị đầu tư 90 dự án khác. 

Trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật, năm 2018 đã có 28 dự án được triển khai, tiêu biểu như tuyến đường trọng điểm Đông Dư-Dương Xá; Yên Viên-Đình Xuyên-Phù Đổng; đường 30m Cổ Bi; các tuyến đường phục vụ chương trình nông thôn mới; các tuyến đường giao thông trọng điểm, trục chính tại các xã.

Để phát triển hạ tầng cho đô thị tương lai, huyện cũng triển khai dự án nhà máy nước sạch khu vực Yên Viên. Tính đến nay, huyện đã hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, với công suất 150.000 m3/ngày đêm. Đây là dự án quan trọng có tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng trên diện tích gần 61,5ha thuộc xã Phù Đổng và Trung Mầu.

Đặc biệt, Gia Lâm là một trong những huyện đi đầu trong đầu tư đồng bộ hệ thống chiếu sáng. Theo đó, đã có 411,8km hệ thống chiếu sáng trên địa bàn huyện được đầu tư. Theo lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm, trong năm 2019, huyện Gia Lâm đặt quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu hoàn thành 132 dự án với số vốn gần 1.700 tỷ đồng, trong đó có 7 dự án nguồn vốn của thành phố và 125 dự án vốn huyện cấp. 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Ngọc Thuần, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Gia Lâm cho rằng, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 trở thành quận đúng với tiến độ đặt ra, các cấp, các ngành và nhân dân của huyện Gia Lâm đang rất nỗ lực và cố gắng trong giai đoạn về đích.

Tuy nhiên, đồng chí Thuần cũng trăn trở, khi cơ sở hạ tầng cơ bản đầy đủ, có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị nông thôn hiện đại thì vấn đề quan trọng sẽ là thay đổi tư duy, nếp sống của người dân cho phù hợp. Bởi lẽ, nếu nếp sống không thay đổi và thích ứng, nếu còn giữ những lề lối sinh hoạt và phương thức làm ăn cũ, nhất là trong giải quyết các mối quan hệ xã hội, giữa người dân và chính quyền các cấp thì tác dụng khi trở thành đơn vị hành chính cấp quận chưa thể có nhiều ý nghĩa thực tế.

Là huyện phát triển sau so với nhiều quận, huyện khác của TP Hà Nội, với những đầu tư lớn như hiện nay, trong tương lai gần, khi những dự án trọng điểm được vận hành, khai thác chắc chắn sẽ mang lại nguồn lợi hiệu quả cho địa phương. Đặc biệt, lợi thế là đầu mối giao thông kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm khu vực đồng Bằng Bắc Bộ và các tỉnh Đông Bắc... sẽ giúp Gia Lâm có điều kiện hơn trong phát triển toàn diện kinh tế-xã hội trong tương lai gần.  

Bài, ảnh: THẢO TRANG