Những cảm nhận đầu tiên
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến nơi này là sự choáng ngợp trước vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, xanh ngắt đầy sức sống của núi rừng. Chỉ cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 60km về phía Tây, nhưng khác xa với nhịp sống ồn ào, hối hả nơi thành thị, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và không khí trong lành mát dịu của Vườn quốc gia Ba Vì khiến cho chúng tôi có cảm giác thời gian dường như đang ngưng lại và con người như được hòa quyện cùng thiên nhiên. Con đường dốc uốn lượn giữa núi rừng đưa chúng tôi lên trên đỉnh núi; hai bên đường là ngút ngàn những cây cổ thụ cao lớn, phủ rêu xanh và lan rừng mọc đầy trên thân cây; đâu đó xa xăm, vọng bên tai, rộn rã tiếng chim chóc, thú rừng… Khắp nơi được bao phủ bởi một màu xanh non đặc trưng của cây rừng vùng nhiệt đới nguyên sinh làm cho khung cảnh vốn hoang sơ càng tăng thêm vẻ đẹp hút hồn của một vườn quốc gia được đánh giá là có một không hai ở Việt Nam.
Dãy Ba Vì nhìn từ hồ Đồng Mô. Ảnh: Trung Thành.
Hiện nay, tổng diện tích của Vườn quốc gia Ba Vì là 10.814,6ha (chiếm 50% diện tích rừng toàn thành phố), bao gồm nhiều khu vực rừng khác nhau: phần rừng nguyên sinh; phần rừng phát triển các thắng cảnh; phần rừng do dân phục hồi, xây dựng các vườn sinh thái tổng hợp; và khu rừng đặc dụng K9… Tài nguyên thiên nhiên ở những khu vực này rất phong phú, đa dạng và luôn được giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt. Hệ thực vật, hệ động vật, hệ sinh thái của núi rừng nơi đây mang những nét đặc trưng rõ nét của khí hậu vùng mưa nhiệt đới và á nhiệt đới điển hình: bốn mùa cây cối xanh tươi, khí hậu trong lành. Không chỉ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của Thủ đô, Vườn quốc gia Ba Vì còn được coi là “bảo tàng thiên nhiên sống” của cả nước bởi đây chính là nơi sinh sống của hàng trăm loài động thực vật hoang dã, có rất nhiều loài quý, hiếm có tên trong “sách đỏ” của Việt Nam.
Bên cạnh sự phong phú đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, Vườn quốc gia Ba Vì còn giữ vị thế “đắc địa” trong tầm nhìn chiến lược quân sự của nhà lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Năm 1957, trong một chuyến thị sát thực tế tại vùng núi Ba Vì, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy phong thủy nơi đây hội tụ nhiều điểm thuận lợi về địa hình, thời tiết, giao thông: có rừng cây, có núi, có sông, rất gần Thủ đô Hà Nội và có thể di chuyển giao thông thuận lợi với cả 3 tuyến đường: đường bộ (tỉnh lộ 87), đường thủy (gần Sông Đà) và đường hàng không (nhờ có một bãi đất rộng bằng phẳng)... Vì vậy, Người đã quyết định xây dựng căn cứ địa quân sự dự phòng tại đây, có tên gọi bí mật là K9. Ngày nay, khu di tích K9 đã trở thành một địa điểm tham quan hấp dẫn cho người dân đến tìm hiểu về lịch sử cách mạng của Đảng ta.
Không những thế, vùng núi Ba Vì còn là nơi du lịch tâm linh của người dân Việt. Quần thể núi Ba Vì bao gồm nhiều đỉnh núi cao, trong đó cao nhất là đỉnh Vua (cao 1.296m) được chọn là nơi xây dựng Đền thờ Bác Hồ. Đối diện với đỉnh Vua là đỉnh Tản Viên (cao 1.227m), nơi đây từ xa xưa ông cha ta đã lập nên Đền Thượng thờ Đức Thánh Tản – Sơn Tinh, một nhân vật trong truyền thuyết được tôn thờ là anh hùng chống lũ lụt bảo vệ nhân dân. Ngoài ra còn có nhiều khu di tích văn hóa tâm linh khác như: Chùa Tản Viên, Đền Trung, Đền thờ Đức Thánh Mẫu… Chính bởi vậy, hàng năm, Vườn quốc gia Ba Vì đón hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, đi lễ hội và tìm hiểu về chốn “địa linh” này.
Công tác PCCCR luôn được đặc biệt chú trọng
Nắng sớm tinh khiết xuyên qua tán lá trong Vườn quốc gia Ba Vì. Ảnh: Trung Thành.
Hòa mình trong dòng người đến tham quan tại những khu di tích, bảo tồn của Vườn quốc gia Ba Vì, từ chân núi, chúng tôi leo bộ theo các bậc thang và con đường mòn vừa dốc vừa nhỏ để lên đến đỉnh núi. Theo quan sát của chúng tôi, dưới gốc các cây cổ thụ là thảm thực bì rất dày bởi một lượng lớn lá cây khô rụng xuống cùng với vô số các loại cây cỏ dại đã héo úa. Địa hình những khu vực này khá cao và dốc, thậm chí có nhiều nơi lộ ra các vách đá dựng đứng nên trữ lượng nước tự nhiên ở các suối trên núi rất ít. Vào những lúc thời tiết khô hanh kéo dài, cùng với lượng khách du lịch lớn, kèm theo việc liên tục thắp hương, đốt vàng mã tại các khu thờ cúng… có thể dễ dàng nhận thấy nơi đây luôn tiềm ẩn những hiểm họa về cháy rừng. Thực tế này đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho các đơn vị quản lý Vườn quốc gia Ba Vì trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng nơi đây.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng như vậy, nhưng trong những năm qua, tại Vườn quốc gia Ba Vì hầu như không xảy ra vụ cháy đáng kể nào gây thiệt hại về tài nguyên rừng. Chúng tôi tự hỏi, vậy đơn vị quản lý nơi đây đã làm thế nào để đảm bảo an toàn PCCCR? Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được đồng chí Trần Ngọc Chính – Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Vì cho biết: “Luôn xác định rõ vai trò quan trọng của rừng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh nên chúng tôi đặc biệt quan tâm chú trọng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Mỗi địa bàn rừng đều được giao cụ thể cho từng cán bộ kiểm lâm, từ đó theo nhiệm vụ được phân công, người cán bộ kiểm lâm phải gắn bó với địa bàn mình phụ trách, phát hiện kịp thời các nguyên nhân có thể phát sinh các sự cố, các vi phạm về an toàn PCCCR hoặc ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép”. Bên cạnh đó, để công tác phòng hộ, bảo vệ rừng thêm chặt chẽ, Vườn quốc gia Ba Vì còn lập nên một đội cơ động thường trực 24/24 giờ, luôn sẵn sàng chủ động ứng phó với mọi tình huống đột xuất, bất ngờ nhằm ngăn chặn sự tàn phá của giặc lửa.
Cũng theo đồng chí Trạm trưởng thì nguyên nhân chủ yếu gây ra cháy rừng là do việc dùng lửa bất cẩn, thiếu kiểm soát của người dân ở các khu vực lân cận trong khi làm nương rẫy, sưởi ấm cho trâu bò trong mùa rét. Vì vậy, để công tác PCCCR đạt hiệu quả thì trọng tâm nhất vẫn là công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan liên ngành tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Giúp họ nhận thức được trách nhiệm của mình cũng như hiểu rõ những tai họa từ cháy rừng đối với đời sống con người. Từ đó khuyến khích nhân dân cùng phối hợp với các lực lượng chức năng chung tay bảo vệ, phát triển rừng.
Hiện nay, ngoài lực lượng kiểm lâm chuyên trách và đơn vị Cảnh sát PCCC tại các địa bàn xung quanh, Vườn quốc gia Ba Vì còn có hệ thống mạng lưới các tổ, đội xung kích PCCCR bảo vệ rừng do nhân dân của các xã vùng đệm phụ trách. Hoạt động của các tổ, đội xung kích này giúp cho việc sớm phát hiện các khu vực cháy rừng và kịp thời triển khai lực lượng khống chế, ngăn chặn cháy lan để hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại về tài nguyên rừng. Hàng năm, các lực lượng này đều được các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn hai kỳ vào dịp đầu và cuối năm về các kỹ năng PCCC.
Đi đôi với công tác bảo vệ rừng thì nhiệm vụ phát triển, trồng mới rừng cũng luôn được Vườn quốc gia Ba Vì thực hiện tốt. Trong hơn 10 năm qua, Vườn đã trồng mới hơn 8.000ha rừng, trong đó giao khoán cho người dân trực tiếp bảo vệ hơn 4.000ha rừng. Diện tích rừng trong phân khu phục hồi sinh thái cũng được tái sinh giúp cho cảnh quan thiên nhiên của Vườn ngày càng thêm tươi xanh.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác PCCCR tại Vườn quốc gia Ba Vì cũng gặp nhiều khó khăn do lực lượng Kiểm lâm còn mỏng, khó kiểm soát được hết địa bàn mình phụ trách. Chế độ đãi ngộ đối với các tổ, đội xung kích PCCCR bảo vệ rừng tại các xã vùng đệm chưa được quan tâm đúng mức nên việc huy động nhân dân tham gia hoạt động trong các tổ, đội xung kích này còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, ý thức giữ gìn, bảo vệ rừng của một bộ phận người dân chưa cao – nhất là việc dùng lửa đốt rẫy, làm nương, đốt lửa sưởi ấm cho trâu, bò; đặc biệt vẫn còn tình trạng chặt phá rừng trái phép hoặc săn, bẫy trộm thú rừng…
Dù còn nhiều khó khăn, song với quyết tâm “không để xảy ra cháy rừng”, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng quốc gia, cán bộ nhân viên Vườn đã nỗ lực không ngừng nghỉ, ngày đêm gìn giữ, ngăn chặn những hành vi làm “tổn thương” rừng và các khu di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Nhờ vậy mà những cánh rừng bạt ngàn của Vườn quốc gia Ba Vì vẫn luôn xanh tươi; những cây gỗ to, quý hiếm và các loài động vật hoang dã vẫn được bình yên.
Rời khỏi Vườn quốc gia Ba Vì khi bầu trời đã bắt đầu nhá nhem, những chuyến xe lại đưa chúng tôi quay trở về với cuộc sống thường nhật chốn thị thành. Tạm biệt khung cảnh thiên nhiên thơ mộng mà hùng vĩ của núi rừng Ba Vì, chúng tôi không khỏi nuối tiếc cảm giác thanh bình, yên ả khi được một ngày sống trọn vẹn với thiên nhiên. Chuyến tham quan đã để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm khó quên với những hình ảnh đẹp về một khu bảo tồn luôn được gìn giữ, bảo vệ cẩn thận. Qua đó, chúng tôi càng thêm trân trọng những giá trị thiên nhiên vô giá mà Vườn quốc gia Ba Vì ban tặng cho con người Việt Nam.
HỒNG VÂN