Trong số họ, không ít những nghệ nhân, vì đau đáu với nghề, họ đã tạm gác những cám dỗ vật chất để bền bỉ giữ lại nghề của cha ông với hy vọng nghề truyền thống của gia đình sẽ không bị mai một. Anh Lê Đình Thắng là một trong số những người như vậy.

Nằm ngay tại số 7, phố Tô Tịch, Hà Nội, cửa hàng tiện gỗ của anh Lê Đình Thắng lặng lẽ giữa xô bồ phố xá. Trong không gian nhỏ hẹp, chật kín những thanh gỗ và sản phẩm tiện gỗ ấy, anh Thắng vẫn đang miệt mài với những sản phẩm còn dở dang của mình. Bàn tay khéo léo, thoăn thoắt đẽo đục trên chiếc máy tiện cũ kỹ như minh chứng cho tình yêu của anh với nghề tiện gỗ này.

leftcenterrightdel
Hàng ngày anh Thắng vẫn miệt mài tạo hình cho những thanh gỗ.

Sau nhiều năm trong quân ngũ, năm 1987, anh Thắng trở về và bắt đầu học nghề từ cha của mình. Lớn lên bên nghề tiện gỗ của cha, những tiếng cưa bào, đục đẽo của nghề tiện gỗ như ngấm vào từng mạch máu, thớ thịt. Thế nhưng, nghề tiện gỗ cũng không hề dễ dàng gì ngay cả đối với người được lớn lên trong môi trường nghề tiện gỗ như anh Thắng. Tuy được nhìn bố làm hàng ngày nhưng khi bắt tay vào làm thực tế thì anh thấy rất khó. Phải mất khoảng ba năm dưới sự chỉ dạy của cha, anh Thắng mới thành thạo công việc. Càng làm, anh càng thấy nghề tiện gỗ đòi hỏi người làm phải thật sự kiên trì và tỉ mỉ thì mới có được những sản phẩm tinh xảo.

Đất nước phát triển, sự lên ngôi của công nghệ hiện đại khiến cho những người làm nghề thủ công như anh Thắng phải đối diện với không ít thách thức. Các sản phẩm gia dụng không còn đơn thuần được chế tác từ những nguyên liệu truyền thống như gỗ, mây, tre... mà đã được đa dạng hóa bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Người tiêu dùng cũng do vậy có nhiều lựa chọn hơn, và những sản phẩm của anh Thắng lại càng phải đối mặt với nhiều thử thách lớn hơn. Làm sao để giữ nghề mà vẫn ổn định thu nhập cuộc sống là một bài toán khó đối với những người làm nghề truyền thống như anh Thắng. Cái nghề không những đòi sự tỉ mỉ, công phu mà còn đòi hỏi cả sự “bền chí” và tinh thần dũng cảm. Có lẽ do đã từng là người lính, được rèn rũa ý chí trong môi trường quân đội, nên anh Thắng đã mang tinh thần đó để giữ lấy nghề, mong ngọn lửa nghề được nhiều thế hệ tiếp tục phát huy. Nói chuyện vui vẻ vậy, nhưng tôi vẫn thấy đằng sau nụ cười tưởng như vô tư ấy là cả một tâm sự, trăn trở với nghề. Anh nói: “Vì có hai cô con gái nên chắc anh là người cuối cùng trong gia đình còn theo nghề này”. Nhiều lúc, anh thật sự cảm nhận được “sự mong manh” của nghề trước làn sóng phát triển. Nhưng, dẫu biết vậy, anh vẫn yêu quý và kiên trì theo nghề. Nó gắn chặt cuộc đời anh như một thứ duyên kỳ lạ, mặc dù anh cũng ý thức rõ nghề này không phải là con đường làm kinh tế hiệu quả. Nếu không có lòng đam mê và muốn giữ nghề truyền thống của gia đình thì chắc anh khó mà theo đuổi nghề cưa bào này lâu như thế.

Để làm được một sản phẩm tiện gỗ, người thợ phải khéo léo tính toán từng công đoạn. Tùy theo độ khó của sản phẩm mà cần thời gian chế tác tương ứng. Gỗ trước khi đưa vào gia công phải được sơ chế đẽo tròn qua cho bớt các góc cạnh, gỗ để khô vừa đủ, sau đó mới bắt đầu tiến hành các công đoạn chế tác.

leftcenterrightdel
Trước khi chế tác, các thanh gỗ được đẽo gọt sơ chế qua.

Theo anh Thắng, mỗi sản phẩm đều có yêu cầu riêng và có độ khó riêng nhưng tựu chung đều đòi hỏi người thợ phải hết sức khéo léo và tỉ mỉ trong mỗi chi tiết. Trước đây, khi đồng hồ con lắc còn được ưa dùng nhiều, anh Thắng thường phải tốn rất nhiều thời gian cho những đơn hàng chế tác hộp đồng hồ con lắc này. Bởi, đây là loại sản phẩm mang tính trang trí cao, đòi hỏi sự tinh tế trong từng đường nét, chỉ cần một chút sơ ý là có thể hỏng cả sản phẩm. Vì thế, người thợ phải đầu tư rất nhiều kỹ thuật và sức lực cho nó. Ngoài ra, kỹ thuật khoét vòng tròn cho các vật dụng hình tròn như hộp bút, gạt tàn cũng là một kỹ thuật rất khó. Để có được sản phẩm ưng ý, người thợ đôi khi phải mất cả buổi sáng hoặc cả ngày mới tiện được một vòng tròn như thế. Nhưng dù có vất vả thế nào anh cũng không ngại khó, ngại khổ, chỉ mong cái nghề mà mình đã gắn bó như miếng cơm, hụm nước sẽ được kế thừa, gìn giữ.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Một số sản phẩm tiện gỗ tại của hàng của anh Thắng.

Các sản phẩm truyền thống của anh Thắng chủ yếu là các đồ thờ trong chùa chiền như: Cây cắm nến, đĩa đựng hoa quả, mâm hứng tàn hương, dùi gõ mõ, ống hương, tràng hạt... Ngoài ra, các trường học và các đoàn múa lân cũng thường xuyên đặt anh gia công dùi trống. Còn các sản phẩm gia dụng bằng gỗ như: Ấm chén, gạt tàn, hộp, ống tăm, nậm rượu, khay để điếu bát, đĩa, cốc, con tiện cầu thang, cầu trang trí hàng rào, chao đèn ngủ, chấn song cửa, hộp bút, hộp đồng hồ quả lắc...cũng được khách hàng ưa dùng.

Nghề tiện gỗ thủ công truyền thống đã qua thời vàng son từ lâu, nhưng anh Thắng vẫn tâm niệm gắn bó với nghề. Anh tự tìm hiểu, không ngừng học hỏi, tiếp thu những mẫu mã mới, cải tiến các công đoạn, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để có những bước đột phá trong nghề. Một mặt cạnh tranh với công nghệ mới, mặt khác sản phẩm phải đảm bảo đúng kỹ thuật truyền thống và tăng tính độc đáo. Hiện nay, hầu như ai có nhu cầu đặt hàng vật dụng gì anh cũng cố gắng tìm tòi để đáp ứng đơn hàng cho khách. Đó là cách anh Thắng “ươm mầm” đất sống cho sản phẩm của mình. Có như vậy mới mong giữ được lâu hơn “nghề xưa” trong những con phố cổ ngày nay. Sự sáng tạo giúp anh Thắng vẫn giữ được nghề mà thu nhập cũng đỡ bấp bênh hơn.

Hơn 30 năm theo nghề, nhọc nhằn gian lao có đủ, niềm vui cũng không ít. Có những thời điểm, khách hàng đặt nhiều làm không kịp đơn hàng, vất vả nhưng vui vì sản phẩm nghề được sự yêu thích của người tiêu dùng. Những sản phẩm gỗ được chế tác theo lối thủ công tạo nên sức hấp dẫn riêng, đồng thời cũng góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống của ông cha xưa.

Hàng ngày, người ta vẫn thấy anh Thắng miệt mài với công việc của mình. Nỗ lực gìn giữ nghề thủ công truyền thống của người thợ tiện gỗ trên con phố xưa kia vốn nổi tiếng với nghề tiện, khắc gỗ, và giờ đây đã mọc lên nhiều cửa hàng kinh doanh các mặt hàng khác nhau gợi lên biết bao suy ngẫm. Nếu chuyển đổi mặt hàng, có thể anh Thắng sẽ có một cuộc sống sung túc hơn nhiều trên con phố cổ, nhưng anh vẫn một lòng kiên trì con đường mình đã chọn. Chứng kiến công việc anh làm và lòng đam mê với nghề mới thấy bản lĩnh người lính không chùn bước trước khó khăn được khắc họa rõ nét nhất.

Bài, ảnh: TƯỜNG VY