Mô hình trồng trọt trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vốn đã không còn xa lạ ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật canh tác của Nhật Bản thì chưa có nhiều nơi thực hiện vì chi phí đầu tư cao. Bởi vậy, chúng tôi rất hào hứng khi tới thăm HTX rau hữu cơ CNC Cuối Quý, một mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC tiêu biểu của huyện Đan Phượng.

leftcenterrightdel
Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao của HTX Đan Hoài-Flora Việt Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG 

Trao đổi với chúng tôi, bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX rau hữu cơ CNC Cuối Quý cho biết: “Chúng tôi chỉ sử dụng phân hữu cơ và men vi sinh trong sản xuất. Thay vì phun thuốc diệt cỏ để khử trùng đất và tiêu diệt mầm bệnh, sau khi thu hoạch xong, chúng tôi kéo đèn khò phun lửa khắp khu vực canh tác. Đây là cách làm của người Nhật để tiêu diệt nấm bệnh, trứng sâu bọ nhưng vẫn giữ được giun. Bên cạnh đó, để diệt sâu bọ, HTX đã làm thuốc hữu cơ, ủ trong hai tuần, sau đó nghiền nát, lọc cặn bã và phun cho rau. Tuy không làm cho sâu chết ngay nhưng thuốc hữu cơ tác động trực tiếp làm chúng ngưng không ăn và yếu dần rồi chết”.

Với kỹ thuật trồng trong nhà màng, hạt giống sẽ gieo dưới nền đất phẳng bằng máy rồi đóng cửa đến khi thu hoạch. Sau mỗi vụ, đất được xử lý nấm, sâu bệnh bằng phương pháp dùng khí ga, đèn khò để đốt bề mặt, rồi bón phân trước khi đánh đất trồng vụ mới. Trung bình mỗi năm HTX gieo trồng khoảng 10 vụ. Tùy thời tiết, thời gian thu hoạch rau sẽ dao động từ 18 đến 20 ngày đối với mùa hè và 30 đến 40 ngày với mùa đông. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ những mô hình trồng rau trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại nhiều nơi, HTX rau hữu cơ CNC Cuối Quý đã áp dụng và tiếp tục kế thừa những công nghệ mới, hiện đại nhất từ nhiều nước trên thế giới, để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; từ đó tạo việc làm ổn định cho bà con nông dân ở địa phương.

Từ khi áp dụng công nghệ-kỹ thuật mới, đơn vị có 17 sản phẩm rau được chứng nhận chất lượng trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP Hà Nội. Doanh thu mỗi năm khoảng 6,5 tỷ đồng. Hiện nay, HTX rau hữu cơ CNC Cuối Quý đang cung cấp rau cho nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, các trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Đan Phượng và một số chung cư lớn với giá cả ổn định. Đặc biệt, với mong muốn cùng nhau phát triển sản xuất, làm giàu từ nông nghiệp, HTX đã chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại này cho các hộ nông dân và các HTX tại nhiều địa phương khác ở Hà Nội như: HTX Tàm Xá (Đông Anh); xã Phụng Thượng, xã Long Xuyên (Phúc Thọ); Chùa Trầm (Chương Mỹ). Đặc biệt, bà Đặng Thị Cuối còn đang chuyển giao mô hình cho Trường THPT Tân Lập (Đan Phượng).

Nói đến những mô hình nông nghiệp CNC nổi bật của Đan Phượng, không thể không nhắc đến mô hình trồng hoa lan của HTX Đan Hoài-Flora Việt Nam. Đến nay, diện tích sản xuất hoa lan của HTX này được mở rộng lên 40.000m2, trong đó 2.200m2 nhà kính sản xuất giống hoa lan, 17.800m2 nhà kính sản xuất hoa thương phẩm. Nhờ sự đầu tư bài bản, áp dụng hệ thống làm lạnh, tạo môi trường thích hợp giúp HTX Đan Hoài-Flora Việt Nam nâng mức cung ứng cho thị trường hơn 800.000 cây hoa lan các loại như lan hồ điệp, lan vũ nữ, địa lan và hàng chục vạn cành hoa ly, hoa loa kèn. Việc trồng hoa trong nhà kính đã tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoa phát triển. Bên cạnh đó, hoa còn không bị phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, khiến HTX Đan Hoài-Flora Việt Nam chủ động được kế hoạch sản xuất cũng như khắc phục được tính thời vụ, có thể cung cấp hoa quanh năm cho thị trường.

ĐOÀN THẢO