Trước xu hướng phát triển của thị trường, những nghệ nhân và cấp ủy, chính quyền địa phương làng nghề Phú Vinh đã và đang có nhiều giải pháp và cách làm, tạo ra những mẫu mã sản phẩm mới, đa dạng, phong phú, trọng thẩm mỹ, tạo đà cho các sản phẩm mây tre đan Phú Vinh trở thành hàng hoá thương mại, có quy mô lớn, tiếp cận với thị hiếu, thị trường của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Hiện nay, trên địa bàn xã Phú Nghĩa đã hình thành hơn 20 doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu, trong đó có 9 doanh nghiệp kinh doanh tập trung tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa đã được quy hoạch, số còn lại là những doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất nhỏ với hàng nghìn hộ gia đình theo nghề mây tre đan. Lao động chủ yếu là trung niên, người ít tuổi nhất cũng đã có đến 10 năm gắn bó với nghề mây tre đan, người lớn tuổi cũng đã gắn bó với nghề đến hơn 50 năm, hầu hết trong số họ đã quá tuổi làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, nên đây cũng là công việc phù hợp với khả năng và sức khỏe, người không có ruộng thì dành toàn bộ quỹ thời gian làm việc tại xưởng, người có ruộng thì tranh thủ lúc nông nhàn…Bà Nguyễn Thị Hoan với hơn 40 gắn bó với nghề chia sẻ: Đây là nghề truyền thống của cha ông để lại, mặc dù thu nhập không được cao, nhưng đã giải quyết tốt quỹ thời gian nông nhàn đối với nhân dân địa phương, hơn nữa khi làm cũng nhàn, không vất vả như những ngành nghề khác, không bị nắng, mưa, quan trọng là phải khéo léo, cẩn thận và đặc biệt những người theo đuổi nghề này phải là những người có tâm, yêu nghề, đó cũng chính là chúng tôi đang duy trì, lưu giữ truyền thống, cốt cách làng nghề của cha ông để lại.
    |
 |
Đa dạng, phong phú mẫu mã để tiếp cận với thị hiếu của người tiêu dùng |
Theo xu hướng phát triển của thị trường, những năm gần đây làng nghề mây tre đan đã và đang phát triển theo hướng đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, phong phú về chủng loại, từ đồ trưng bày, trang trí đến các vật dụng trong gia đình, mẫu mã cũng được thay đổi liên tục theo yêu cầu của khách hàng.
Hơn 40 năm làm nghề và dành trọn tâm huyết cho việc giữ gìn và phát triển nghề thủ công mây tre đan truyền thống của cha ông, đứng trước những biến động của cơ chế thị trường, các làng nghề mây tre đan truyền thống đang gặp phải không ít những khó khăn. Đi đầu trong đổi mới, đa dạng sản phẩm của làng nghề Phú Vinh là Công ty mây tre đan Quang Việt của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh, nói về hướng đi của Công ty trong xu thế hội nhập, anh cho biết: “ Trước đây, sản phẩm từ mây tre đan chủ yếu là đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như thúng, mủng, dần, sàng, túi, hộp... Đến nay chúng tôi đã sáng tạo được hàng trăm mẫu hàng xuất khẩu như: đĩa mây, lẵng mây, làn mây, chậu mây, bát mây; sản phẩm mỹ nghệ như: đồ trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, bàn, ghế, sa lông; đồ nội thất khách sạn, nhà hàng bằng tre trúc….Chúng tôi, đang đi trước, đón đầu với chương trình làm “Du lịch làng nghề”, tuy vẫn còn manh muốn, nhưng đây vẫn là một hướng đi rất tiềm năng cho nhân dân địa phương trong những năm tới”.
Tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ cách mạng Cu ba Fidel Castro hay Thiếu nữ ngắm trăng là những sản phẩm độc đáo đã làm nên tên tuổi của Nghệ nhân mây tre đan Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch hội Nghệ nhân xã Phú Vinh. Đến nay ông đã đan được hơn 300 bức chân dung của các vị lãnh tụ nổi tiếng trong và ngoài nước, không những làm ra các sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ phong phú đa dạng mẫu mã theo thị hiếu người tiêu dùng, những năm qua, ông luôn trăn trở tìm cách lưu truyền và phát triển để nghề mây tre đan quê ông không bị mai một…. Năm 2007, ông thành lập Trung tâm dạy nghề Mây tre đan Phú Vinh, từ khi thành lập đến nay trung tâm đã đào tạo miễn phí cho gần 5.000 lao động ở Hà Nội và các địa phương khác, trong đó có hơn 1.000 người khuyết tật… Đây cũng chính là thế hệ con cháu để tiếp tục kế tục và phát triển làng nghề Phú Vinh ngày một phát triển trong thời kỳ mới.
Tiếp nối lớp nghệ nhân lão làng, anh Hoàng Văn Hạnh và vợ Nguyễn Thị Hân là những người đầu tiên có sáng kiến kết hợp tinh hoa của hai làng nghề gốm Bát Tràng và mây tre đan Phú Vinh, tạo ra một loại sản phẩm mỹ nghệ mới - gốm sứ quấn mây. Ý tưởng kết hợp sợi mây, sợi giang với gốm sứ đã được anh Hạnh ấp ủ từ mấy chục năm nay. Đó là những năm 90 của thế kỷ trước, khi nghề mây tre đan ở Phú Vinh bị "tắc" đầu ra, người dân đổ xô đi làm hàng chợ như rổ, rá... để kiếm sống. Xót xa và trăn trở với việc giữ nghề, anh Hạnh đã vào Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm thị trường. Tại đây, anh đã nảy ra ý định kết hợp cói với sứ Bình Dương và được khách nước ngoài rất thích, đặc biệt là du khách Pháp. Sau 4 năm bươn chải nơi đất khách, anh về quê và tìm thấy ở gốm Bát Tràng có nhiều tông màu rất hợp với màu trắng ngà và màu sẫm của mây Phú Vinh, tạo nên những mảng sáng tối cho sản phẩm. Phát hiện của anh đã được bàn tay khéo léo của người vợ chắp thêm cánh với những kiểu dáng độc đáo. Sản phẩm mây quấn gốm của anh chị gồm gần 60 kiểu dáng khác nhau, nổi bật bởi tính độc đáo, đã giành được nhiều huy chương vàng trong các kỳ hội chợ. “Không thể phủ nhận, nghề mây tre đan đã giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động. Tuy nhiên, sức tiêu thụ của thị trường nội địa không cao, đầu ra của các sản phẩm hiện nay chúng tôi đang hướng đến là khách Du lịch nước ngoài, từ đó quảng bá sản phẩm vào những thị trường khó tính như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha ... Nếu có được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong quảng bá, truyền thông, cũng như các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ giúp cho các hộ dân làng nghề chúng hướng tới các thị trường có tiềm năng, đảm bảo giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, đồng thời lưu truyền, phát triển làng nghề mây tre đan truyền thống mà bao đời nay cha ông chúng tôi để lại”. Anh Hoàng Văn Hạnh chia sẻ.
    |
 |
Sản phẩm kết hợp tinh hoa của hai làng nghề gốm Bát Tràng và mây tre đan Phú Vinh |
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Phụng, Phó chủ tịch xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ cho biết: hiện nay mây tre đan đã trở thành một hàng hoá có trong danh mục xuất khẩu sang thị trường các nước. Mặc dù Nhà nước đã có rất nhiều chính sách đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, để phát triển làng nghề truyền thống một cách toàn diện, vững chắc thì phải có chính sách đặc thù đối với các công ty, doanh nghiệp làng nghề, bởi xuất phát điểm của các hộ kinh doanh của địa phương rất khó khăn, không tiếp cận được trực tiếp với khách hàng là các công ty nước ngoài, vì vậy phải thông qua các công ty, doanh nghiệp đầu mối, làm trung gian, nên thu nhập bị giảm… Từ đó phải chúng tôi rất mong các cơ quan hữu quan, có cơ chế riêng cho các công ty, doanh nghiệp làng nghề, như thuê đất, thuê mặt bằng, bao tiêu sản phẩm đầu ra, có nhà tổ chức sản xuất, tạo ra các doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, trọng thẩm mỹ, biết khám phá thị hiếu, thị trường...nhằm nâng tầm để mây tre đan trở thành hàng hoá thương mại, tạo điều kiện tốt nhất, tận dụng tối đa sức sản xuất trong nhân dân làng nghề mây tre đan truyền thống của địa phương.
Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH