QĐND - Ấy là người dân ở ngõ số 3 phố Hàng Đậu gọi ông Nguyễn Văn Hòa với cái tên gần gũi thế. Nhiều năm nay, không cứ gì đến ngày rằm Trung thu ngõ nhà ông Hòa ở mới có người vào, người ra, khấp khởi vì trên tay đã có chiếc mặt nạ giấy bồi ưng ý làm quà cho con cháu, mà công việc giữ nghề truyền thống vẫn được ông Hòa làm quanh năm, cung cấp cho các cửa hàng đồ chơi của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Cheo leo trên căn gác tầng 3 trong ngõ Hàng Đậu-thuận cho chỗ để xe và cũng đỡ ngoắt ngoéo, dễ tìm hơn là địa chỉ 73 Hàng Than như người ta vẫn biết đến, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa (63 tuổi) và bà Đặng Hương Lan (60 tuổi) ngồi giữa những sắc màu của đủ hình thù mặt nạ giấy bồi. Ông Hòa tỉ mẩn tô màu, vẽ điểm hình lên chiếc mặt nạ trâu-món hàng được cho là “đặc sản” mà bất cứ ai đến đây cũng muốn mua. Ngồi bên cạnh, bà Lan nhào bột để làm chất kết dính giấy bồi. Hai ông bà rôm rả chuyện, hơn hẳn những năm trước, năm nay từ đầu mùa làm hàng Trung thu, nhiều cơ quan, nhất là các ngân hàng đã đặt số lượng lớn.
 |
Ông Hòa tỉ mẩn vẽ hoa văn trên những chiếc mặt nạ trâu. |
Mọi năm chỉ khoảng 2.000 chiếc, thì năm nay số lượng tăng lên gần gấp đôi. Hỏi bà Lan, thứ bột mà bà đang nhào để đổ khuôn làm mặt nạ từ nguyên liệu gì, bà bảo là bột sắn, không tin cứ nếm thử. Vừa nói bà Lan vừa đưa lên miệng nếm, vì làm cho trẻ con nên phải bảo đảm an toàn. Mọi công đoạn từ xay bột, cắt giấy, đúc khuôn, vẽ mặt nạ thành phẩm đều do hai vợ chồng ông Hòa kỳ công làm. Làm thủ công, nên mỗi ngày có cố gắng nhanh cũng chỉ được 7-8 cái. Mặt trắng bán 20.000 đồng, vẽ lên có giá 25.000 đồng (bán buôn), bà Lan cũng đăng ký một gian hàng nhỏ ở chợ Trung thu phố Hàng Lược để làm điểm giới thiệu sản phẩm gia truyền của gia đình gìn giữ bao đời nay. Bà Lan vui kể, internet đúng là có lợi thế, cứ lên tra gu-gồ (google) “ông Hòa Hà Nội làm mặt nạ giấy” thì hiện ra hàng loạt các thông tin, bài báo. Thế nên mặt hàng của ông bà không chỉ người Hà Nội biết đến, tìm tới tận nhà mua, mà có cả những vị khách tận Quảng Ninh, Đà Nẵng, rồi cả TP Hồ Chí Minh… tiện đường công tác cũng tìm đến để mua mặt nạ cho con cháu mình.
Ngoài chiếc mặt nạ trâu với nhiều kiểu hình ảnh như trâu vàng, trâu đỏ, trâu đen… thì những mặt nạ chú Tễu, ông địa, thỏ, mèo, cáo, hổ… cũng là những món hàng đặc sắc, được khách hàng chọn mua. Đáp ứng nhu cầu của khách đặt hàng, năm nay ông Hòa còn đúc khuôn mặt nạ lên tới 24 kiểu dáng, khuôn hình có cả siêu nhân, người dơi, công chúa… với đủ dáng vẻ, sắc màu ngộ nghĩnh.
Miệt mài bên những chiếc mặt nạ giấy bồi, nhiều năm trước ông Hòa cũng đã được các cấp quản lý văn hóa của Hà Nội mời tham gia các buổi trình diễn nghề truyền thống ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Hội chợ làng nghề thủ công… từng có lời mời ông mở lớp truyền dạy, ông Hòa bảo rất sẵn sàng, nếu không nghề này sẽ mai một, thời gian trôi đi nhanh, không còn người làm nữa thì những chiếc mặt nạ giấy bồi chỉ còn trong dĩ vãng.
Được biết, nghề làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội chỉ còn duy nhất của vợ chồng ông Hòa, bà Lan là làm quanh năm suốt tháng.
Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN