Nhờ được công nhận, xếp hạng sao, đến nay, nhiều sản phẩm của huyện đã khẳng định được ưu thế trên thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Huyện Thường Tín hiện có 11 cụm công nghiệp với hàng nghìn doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp và 126 làng nghề, trong đó 49 làng nghề được UBND TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: 15 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 14 mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp.
Để phát huy những thế mạnh của địa phương, huyện Thường Tín đã tập trung chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh việc thực hiện chương trình OCOP, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm trên địa bàn... Nhờ đó, trong năm 2021, huyện có 49 sản phẩm của 9 chủ thể (là các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề trên địa bàn) tham gia đánh giá phân hạng OCOP, thuộc 2 nhóm ngành: Thực phẩm tươi sống, thực phẩm thô, sơ chế; thủ công mỹ nghệ, trang trí.
    |
 |
Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà giới thiệu về sản phẩm rau của hợp tác xã. |
Chia sẻ về việc thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn, ông Từ Đức Mạnh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín, cho biết, bám sát tình hình thực tế của địa phương, huyện đã có nhiều giải pháp phát triển sản phẩm OCOP. Hằng năm, huyện tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nhằm làm rõ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao...
Trong năm 2021, để khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, huyện đã thực hiện hiệu quả việc xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP với nhiều hình thức như: Giới thiệu 32 sản phẩm làng nghề tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố năm 2021; khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng, sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn huyện tại chợ Vồi; kết nối sản phẩm OCOP vào các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, các điểm bán hàng OCOP trong và ngoài thành phố; triển khai chương trình phát triển thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP...
Hiện nay, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) có 30 sản phẩm rau được UBND TP Hà Nội công nhận đạt OCOP 4 sao. Nhận định về hiệu quả của chương trình OCOP, bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, cho biết, chương trình OCOP giúp nông sản khẳng định được chất lượng trên thị trường, được kết nối để tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, các điểm bán hàng OCOP trong và ngoài thành phố, góp phần tăng sức tiêu thụ sản phẩm. Mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 300kg rau như: Cải ngọt, cải mơ, cải bó xôi, xà lách... Doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho hơn 20 lao động.
Với những kết quả trên, có thể thấy chương trình OCOP tại huyện Thường Tín đang thực hiện hiệu quả, mang lại ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm, từ đó tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bài và ảnh: ĐOÀN THẢO