Thời gian trôi đi, phố Hàng Thiếc hôm nay đã có nhiều đổi thay, nhưng tiếng búa gõ, tiếng gò hàn vẫn đều đều, nó gắn liền với người dân con phố này. Những người thợ nơi đây ngày ngày tạo ra những sản phẩm thiết thực trong đời sống của người dân. 

Phố Hàng Thiếc vốn là phố của thợ thủ công chuyên nghề đúc thiếc làm những cây đèn thắp dầu lạc, cây nén, lư hương, ấm pha chè, khay đựng đồ uống chè, bao chè, chóp nón... Họ đa số là người làng ở Đan Hội, Thường Tín, Phú Thứ, Khương Thượng, Canh, Diễn… Nghề làm hàng bằng thiếc sau không tồn tại nữa mà đổi sang làm hàng bằng sắt tây. Vì thế mà người Pháp gọi là Rue des Ferblanties (Phố thợ làm hàng sắt tây), còn ta vẫn gọi theo tên cũ là phố Hàng Thiếc. Hiện nay sản phẩm chính trên tuyến phố được làm chủ yếu từ inox và tôn. Mặt hàng phổ biến là hòm đựng quần áo, thùng hóa vàng, xô, thùng đựng nước và gánh nước, gầu múc nước, khuôn bánh, khay, muôi...

leftcenterrightdel

Người thợ miệt mài làm việc 

 

Ông Nguyễn Văn Chức, sinh năm 1936, Tổ trưởng tổ dân phố 30 phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm đã gắn bó với con phố này từ khi mới 13 tuổi, khi ông theo bố ra phố này sinh sống. Gia đình ông bốn đời liền theo nghề. Từ nhỏ chứng kiến những biến đổi của con phố, theo nghề và tận tay làm những sản phẩm, ông đã dành rất nhiều tình cảm cho con phố cũng như những sản phẩm phố nghề. Ông cho biết, khi mới hình thành khu phố chỉ có vài sản phẩm như phễu, thùng gánh nước... được làm bằng tôn Pháp. Nhưng từ sau khi đất nước thống nhất, phố Hàng Thiếc không ngừng phát triển. Những mặt hàng bày bán trên phố hiện nay chủ yếu sản xuất ở thôn Phú Thứ, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ngoài ra trên phố còn nhiều hộ gia đình trên phố vừa sản xuất vừa kinh doanh với số lượng nhỏ, sản xuất đơn chiếc. Những khách hàng cần sản xuất theo số lượng lớn hoặc đặt theo kích thước đều được các hộ kinh doanh thuê thợ ở các vùng quê làm. Ngoài khách hàng Hà Nội, khách hàng các tỉnh đặt cũng khá đông.  

Một mặt hàng đặc trưng của phố Hàng Thiếc là tàu thủy đồ chơi. Trong ký ức người Hà Nội, tàu thủy đồ chơi là mặt hàng gắn liền với tuổi thơ của họ. Hiện nay, tàu thủy đồ chơi vẫn được khách hàng tìm đến, đặc biệt là dịp Tết Trung thu. Nguyên liệu làm tàu thủy đồ chơi hiện nay là từ tôn mỏng. Trước đây, ngoài tàu thủy, phố còn có cả các mặt hàng đồ chơi như con bướm, con thỏ... Nhưng hiện nay, những mặt hàng đồ chơi độc đáo trong Tết Trung thu cũng không được làm nữa vì không thể cạnh tranh được thị trường do sản phẩm sau khi làm ra giá thành cao trong khi đồ chơi nhựa nước ngoài tràn ngập và rẻ hơn rất nhiều.

leftcenterrightdel
 

Tàu thủy đồ chơi là một trong những sản phẩm đặc trưng của phố Hàng Thiếc.

Hàng Thiếc cũng như bao nhiêu phố nghề khác ở Hà Nội đang đứng trước nhiều nguy cơ. Những người mở hàng ở phố này chủ yếu là buôn bán. Họ chỉ nhận đơn đặt hàng và đưa về làng quê thuê thợ gia công làm. Chị Nguyễn Thị Liên,  một hộ kinh doanh ở số 33 Hàng Thiếc cho biết, các mặt hàng trên phố hiện nay bên cạnh sản phẩm thủ công tự sản xuất, các hộ kinh doanh cũng nhập mặt hàng ngoài về bán. Vì các sản phẩm nhập về phong phú, giá bán phải chăng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Dù biết vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng những người thợ cùng với những tiếng búa, tiếng gò trên phố Hàng Thiếc vẫn còn tồn tại đến hôm nay. Họ đang góp phần vào việc gìn giữ nét riêng, độc đáo của phố nghề Hà Nội, bảo tồn nét văn hóa của Hà Nội xưa. Chúng ta cũng hy vọng những phố nghề trong phố cổ sẽ tiếp tục phát huy được giá trị của mình, quảng bá hình ảnh một Thủ đô văn minh, hiện đại và giàu văn hóa, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước. 

Bài và ảnh: BẢO HÂN