Có mặt tại quán cơm Yên Vui vào một buổi trưa đầu tháng 3, mặc dù chưa tới giờ mở cửa nhưng chúng tôi đã thấy nhiều người đứng xếp hàng bên ngoài. Bà Nguyễn Thị Bé-một khách hàng tới mua cơm chia sẻ: “Từ khi quán Yên Vui hoạt động, tôi thấy gánh nặng cuộc sống cũng giảm bớt nhiều. Chỉ với 1.000-2.000 đồng, chúng tôi đã có được một bữa ăn no và đủ chất. Chúng tôi thực sự rất biết ơn quán Yên Vui đã cung cấp những bữa ăn ấm áp và nhân văn này”. Đến giờ mở cửa, khách hàng trước khi vào đều phải thực hiện quy định của quán (có người giám sát) như: Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và kiểm tra thân nhiệt. Anh Nguyễn Cao Sơn, chủ nhiệm quán cơm Yên Vui cho biết: “Vì dịch Covid-19 đang diễn ra khá phức tạp nên thời gian này chúng tôi không phục vụ khách ăn trực tiếp tại quán mà yêu cầu họ mua mang về. Để bảo đảm việc phòng, chống dịch, chúng tôi phân công nhân viên trực tại cửa để kiểm tra thân nhiệt từng người. Tại bồn rửa tay cạnh cửa ra vào, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ nước sát khuẩn, rửa tay. Phòng trường hợp khách không có khẩu trang, chúng tôi cũng chuẩn bị một hộp khẩu trang y tế và sẵn sàng phát cho người dân khi cần”.
    |
 |
Nhân viên quán cơm Yên Vui bán hàng cho khách hàng. |
Theo anh Nguyễn Cao Sơn, quán cơm Yên Vui bắt đầu kinh doanh từ ngày 14-12-2020. Mọi kinh phí hoạt động đều từ nguồn tài trợ của Quỹ Từ thiện Bông Sen (quỹ từ thiện tư nhân được Bộ Nội vụ cấp phép thành lập và công nhận hoạt động năm 2018). Lịch mở cửa của quán vào buổi trưa các ngày thứ hai, tư, sáu với 200 suất được bán ra mỗi ngày. Đối với trưa thứ ba, năm, bảy cơm được chuyển tới điểm bán lưu động ở số 117 Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) với số lượng 120-150 suất mỗi ngày. Theo quy định, mỗi người chỉ được mua một suất; có thể chọn mua cơm chay, cơm mặn với giá lần lượt là 1.000 đồng; 2.000 đồng/suất. Tuy nhiên, nếu khách hàng chứng minh được có người nhà bị bệnh sẽ được mua thêm. Nhờ giá cả phải chăng, phù hợp với điều kiện kinh tế nên những người có thu nhập thấp đến rất đông, chủ yếu là: Công nhân, người bán hàng rong, người già... Hôm nào cơm hết sớm mà vẫn chưa hết khách, đầu bếp sẽ nấu mì ăn liền và bán với giá 1.000 đồng/bát. Sau khi quán hoạt động một thời gian, rất nhiều người dân, doanh nghiệp đã đóng góp kinh phí, thực phẩm để hỗ trợ hoạt động (nội dung này được tổng hợp, công khai rõ ràng trên trang Facebook của quán).
Trước giờ mở cửa, cơm và thức ăn đều phải bảo đảm chín và được đóng hộp cẩn thận, xếp chung vào hòm giữ nhiệt lớn để bảo quản rồi mới chuyển ra khu bán hàng. Khi khách tới mua, hai nhân viên của quán chia nhau làm việc, một người thu tiền, một người lấy cơm hộp đưa cho khách. Mặc dù tất cả mọi người đều đeo khẩu trang nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được sự hạnh phúc trên khuôn mặt của cả người bán và người mua. Bà Nguyễn Thị Hoa, chia sẻ: “Năm nay tôi đã ngoài 70 tuổi, không có gia đình, bươn chải ở Hà Nội suốt hơn 40 năm qua, cuộc sống khó khăn, bữa đói bữa no. Nhờ mấy cô bán hàng rong giới thiệu mà tôi biết tới quán Yên Vui này. Suất cơm 1.000-2.000 đồng ở đây không thua kém gì suất 20.000-25.000 đồng ở những quán cơm bình dân khác. Thực đơn mỗi ngày đều thay đổi nhưng luôn đủ 4 món: Cơm, rau xào, món mặn, canh. Cầm 2.000 đồng tới đây, tôi không chỉ mua được cơm ngon mà còn “mua” được sự ấm áp, vui vẻ của tất cả thành viên quán Yên Vui. Việc thu 1.000-2.000 đồng chẳng thể mang lại cho chủ quán một chút lợi nhuận nào nhưng mang lại cho chúng tôi cảm giác vui vẻ, thoải mái”.
Bài và ảnh: ĐOÀN THẢO