Mặc dù vậy, các start-up khi mới hình thành đều ở quy mô nhỏ, để tồn tại lâu dài và phát triển bền vững, vấn đề tài chính luôn được quan tâm hàng đầu. Theo đó, TP Hà Nội đã xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong giai đoạn khởi điểm, kết nối với các nguồn vốn đầu tư.

Có thể thấy, từ ý tưởng khởi nghiệp ban đầu nếu không có vốn, các start-up sẽ không thể tiến xa hơn. Khi doanh nghiệp có nguồn lực về tài chính sẽ có thể tăng trưởng, mở rộng nguồn khách hàng, quy mô thị trường. Từ năm 2019, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019-2025”. Theo đó, Hà Nội thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; trong đó, hỗ trợ về thủ tục đăng ký thành lập, đầu tư, góp vốn. Đồng thời, bố trí nguồn ngân sách để triển khai hiệu quả đề án. Thành phố cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ngày hội đổi mới sáng tạo Thủ đô, hội chợ công nghệ... giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận, kết nối với các nhà đầu tư.

Tại Kỳ họp thứ 18 HĐND TP Hà Nội khóa XV vừa qua, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về chủ trương ban hành đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 và quy định một số chính sách, nội dung, mức chi hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội. Nghị quyết đã tạo hành lang pháp lý hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng trong giai đoạn tới. Mục tiêu của đề án phấn đấu tốc độ phát triển doanh nghiệp mới bình quân khoảng 10%/năm (khoảng 30.000 doanh nghiệp mới/năm), cả giai đoạn 2021-2025 có thêm 150.000 doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn. Trong đó, thành phố sẽ đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội. Nghiên cứu, hình thành Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng hạ tầng, cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp thuộc thành phố quản lý. Hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức các khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh chuyên sâu.

Cũng theo các chuyên gia, để kêu gọi được vốn đầu tư, khởi sự doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp cần đầu tư kỹ về sản phẩm, nguồn nhân lực, xác định rõ thị trường trọng tâm. Các quỹ đầu tư mạo hiểm thường đưa ra các tiêu chí: Mô hình kinh doanh rõ ràng; đáp ứng được nhu cầu thị trường; hướng tới lượng khách hàng tiềm năng đủ lớn để tăng trưởng; có bí quyết công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, chính quyền thành phố cần quan tâm hơn nữa tới các yếu tố về hạ tầng, công cụ tài chính cho đầu tư khởi nghiệp, kết nối các hệ sinh thái khởi nghiệp nhỏ, lẻ trên địa bàn thành một hệ sinh thái tổng thể. Đồng thời, tạo vốn mồi cho các dự án khởi nghiệp; có cơ chế thuận lợi cho quỹ đầu tư, nhà đầu tư đổ vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững không chỉ giúp tạo ra một lực lượng doanh nghiệp lớn mạnh mà còn giúp giải quyết vấn đề lao động, các thách thức đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

MẠNH LONG