Tăng trưởng mạnh mẽ

Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, hiện Hà Nội đón khách từ hơn 160 thị trường, trong đó nhiều thị trường có mức chi trả cao như Tây Âu, Australia, Bắc Mỹ, Đông Âu, Đông Bắc Á… Thị phần khách quốc tế của Hà Nội ngày càng lớn, giai đoạn 2000-2010 chỉ chiếm khoảng 30% cả nước, năm 2017 đã chiếm tỷ trọng gần 40% so với cả nước. 

Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008, trên địa bàn thành phố có tổng số 776 cơ sở lưu trú với 16.851 buồng phòng, trong đó có 204 cơ sở lưu trú được xếp hạng (35 khách sạn khối 3-5 sao). Sau 10 năm, số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn tăng gần 5 lần, đạt 3.546 cơ sở; số lượng buồng phòng tăng hơn 3,5 lần, đạt 60.458 buồng phòng; trong đó 599 cơ sở lưu trú đã xếp hạng (68 khách sạn từ 3-5 sao). Số lượng cơ sở lưu trú cao cấp từ 3 đến 5 sao tính đến hết năm 2017 tăng gần gấp 2 lần so với năm 2008. Mức tăng trưởng này cho thấy các cơ sở lưu trú của Hà Nội phần lớn đã đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, bên cạnh đó còn thể hiện tiềm năng lớn trong việc thu hút đầu tư kinh doanh lưu trú du lịch từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới với việc đi vào hoạt động của nhiều khách sạn 5 sao có quy mô, thương hiệu đẳng cấp chất lượng cao như: JW Marriott, Lotte Hà Nội, Grand Plaza Hanoi, InterContinental Hanoi Westlake...

Theo kết quả điều tra sơ bộ của cơ quan chức năng Hà Nội, năm 2017 ngành du lịch đã đóng góp 8,07% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố.

leftcenterrightdel
Hồ Gươm- địa danh nổi tiếng ở Thủ đô.

Bên cạnh đó, sau khi mở rộng về địa giới hành chính, Hà Nội có thêm nhiều cơ hội tốt để tạo nên các tour, tuyến du lịch mới. Giờ đây, khách du lịch đến Thủ đô không chỉ chọn những điểm đến truyền thống như Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm…, mà còn có thể chọn những loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản như múa rối nước Đào Thục kết hợp tham quan Di tích Cổ Loa tại Đông Anh; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực Ba Vì… hay các điểm đến du lịch làng nghề như: Làng dệt lụa Vạn Phúc, làng gốm sứ Bát Tràng, làng nón Chuông...

leftcenterrightdel
Du khách quốc tế đến Thủ đô Hà Nội ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty Lữ hành TransViet Travel cho biết, từ khi địa giới hành chính Thủ đô được điều chỉnh, doanh nghiệp lữ hành đã có thêm rất nhiều thuận lợi để phát triển du lịch. Có thể thấy rõ, nhiều địa điểm được du khách trong và ngoài nước lựa chọn và biết đến như: Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây); chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” ở Sài Sơn (Quốc Oai)...

Xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hơn 10 năm qua, du lịch Hà Nội đã chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến, không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Hằng năm, thành phố tổ chức đón những vị khách quốc tế đầu tiên đến Hà Nội. Thành phố cũng tổ chức nhiều sự kiện giao lưu văn hóa gắn kết với phát triển du lịch như Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản, Ngày châu Âu tại Hà Nội…; tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế như Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam- VITM Hà Nội 2018; Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2018. Đặc biệt, Chương trình hợp tác quảng bá Hà Nội trên kênh truyền hình CNN Quốc tế tiếp tục là “điểm sáng” của du lịch Thủ đô thời gian qua. Bên cạnh đó, Hà Nội chú trọng phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô như: Tổ chức Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phố đi bộ Trịnh Công Sơn; mở tuyến xe buýt hai tầng cao cấp, mở mui (Hanoi City Tour)... và triển khai thí điểm xây dựng nhận diện thương hiệu (logo), biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch Hà Nội.

leftcenterrightdel
Cầu Long Biên- nơi lưu giữ ký ức lịch sử, văn hóa về Hà Nội.

Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô, hoàn thiện sản phẩm du lịch theo hướng phát triển bền vững. Để đạt được điều đó, Sở Du lịch phối hợp chặt chẽ các cơ quan để kết nối, quảng bá, hợp tác, phát triển thị trường du lịch, kết nối tour, tuyến với các doanh nghiệp, tổ chức tại thị trường quốc tế và ngược lại. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch. Mục đích cuối cùng để thu hút nhiều hơn khách du lịch trong và ngoài nước đến với Hà Nội, để Hà Nội trở thành một trong những hành trình khám phá, tham quan của mình. 

Hy vọng rằng, mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội sẽ đón khoảng 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế. Mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của hà Nội sẽ không còn xa.

Bài, ảnh: DIỆU THÚY