leftcenterrightdel

Hơn 500 người dân Thủ đô tham gia chạy vì một thế giới không rác thải.

Thông tin tại sự kiện cho biết, tại Việt Nam, quản lý rác thải sinh hoạt đang trở nên thách thức hơn bao giờ hết. Rác thải sinh hoạt đô thị tăng lên gấp hai lần trong 15 năm qua. Năm 2015, lượng rác thải sinh hoạt tăng tới 27,1 triệu tấn và mỗi năm tăng khoảng 5%. Với sự đô thị hóa ngày càng nhanh, tới năm 2025 trung bình mỗi người dân đô thị thải ra 1,6 kg rác/ngày. Mức tiêu thụ nhựa bình quân ở Việt Nam là 41 kg/người/năm vào năm 2015. Lượng rác thải nhựa ngày càng tăng, nhưng phần lớn chưa được thu gom và xử lý đúng quy định. Một lượng lớn bị thải ra các dòng sông và dần đi ra biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, trong khoảng 10 năm tới, lượng rác thải nhựa ra biển sẽ tăng gấp đôi và nếu chúng ta không hành động, vào năm 2050 các đại dương sẽ chứa nhiều rác thải nhựa hơn các loại cá.

leftcenterrightdel

Người dân tham quan các sản phẩm được tái chế từ rác thải tại sự kiện.

Đây là năm thứ 8 liên tiếp Trung tâm CECR tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày trái đất. Tại sự kiện, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm CECR chia sẻ: “Thay đổi thói quen của chúng ta trong việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần chính là hành động thiết thực nhất để bảo vệ môi trường mà mỗi người có thể thực hiện ngay. Hãy cùng nhau, từ chính bản thân mỗi chúng ta và gia đình giảm thiểu việc dùng sản phẩm nhựa dùng một lần; bên cạnh đó, áp dụng những giải pháp để thay thế cũng như những sáng kiến để tái chế sản phẩm nhựa dùng một lần. Hãy hành động ngay hôm nay để bảo vệ trái đất của chúng ta”.

Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như: Chạy vì một thế giới không rác thải xung quanh hồ Hoàn Kiếm với sự tham gia của hơn 500 người dân Thủ đô; Triển lãm các sáng kiến giảm thiểu, tái chế rác thải; Hoạt động đổi rác thải phế liệu - rác thải điện tử lấy các sản phẩm thân thiện môi trường; Trò chơi nâng cao nhận thức về tác hại rác thải nhựa…

Tin, ảnh: LA DUY