Điều này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư và kỳ vọng một tương lai tươi sáng cho thị trường chứng khoán nước nhà trong năm 2022.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, bước sang năm 2022, thị trường TPCP tiếp tục có những diễn biến sôi động. Trên thị trường sơ cấp, thông qua 14 đợt đấu thầu TPCP được tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trong tháng 1-2022, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 23.082 tỷ đồng; kỳ hạn 10 năm chiếm tỷ trọng phát hành lớn nhất, đạt 46%, tương ứng với khối lượng phát hành 10.627 tỷ đồng. So với cuối tháng 12-2021, lãi suất huy động TPCP của Kho bạc Nhà nước tăng tại kỳ hạn 15 năm, giữ nguyên tại các kỳ hạn 10 năm, 20 năm và 30 năm.
Trên thị trường giao dịch thứ cấp, tính đến hết ngày 31-1-2022, thị trường TPCP tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội có tổng dư nợ đạt 1,52 triệu tỷ đồng, tăng 0,66% so với cuối năm 2021. Tổng giá trị giao dịch TPCP tháng 1-2022 đạt 254.543 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 13.397 tỷ đồng, tăng 19,19% so với năm 2021. Giá trị giao dịch Repos (mua đi, bán lại) chiếm 39,66% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 1-2022 chiếm 1,67% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, giá trị bán ròng đạt 1.245 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ô, ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, cho hay: “Hiện tại, tôi đang có một khoản tiền nhàn rỗi nên quyết định đầu tư vào thị trường chứng khoán nhằm thu lời trong thời gian dài hạn. Tôi chia số vốn của mình làm hai phần, một phần dùng để mua TPCP, bởi đây là một kênh đầu tư khá ổn định và nhận được thu nhập cố định hằng năm từ tiền lãi. Số vốn còn lại, tôi mua một số mã cổ phiếu của những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt”.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) khuyến nghị, nhà đầu tư có thể cân nhắc tận dụng nhịp điều chỉnh của thị trường để tích lũy thêm những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt trong năm 2022 khi giá rơi về mức chiết khấu hợp lý. Tuy nhiên, VCBS cho rằng, trong bối cảnh xu hướng chung của các chỉ số chứng khoán là chưa thực sự rõ ràng, chiến lược đầu tư trong giai đoạn này nên thiên về giao dịch “lướt sóng” và cần sẵn sàng hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nếu chỉ số chung ghi nhận phiên giảm điểm mạnh và bất ngờ với thanh khoản gia tăng đột biến.
Một số nhà đầu tư chứng khoán nhận định, thị trường trong nước đang trong nhịp tăng/giảm đan xen với 2 phiên tăng điểm và 3 phiên giảm điểm trong tuần qua. Dòng tiền đang có sự xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu, tuy nhiên dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
VIỆT ANH