Tại Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh CNQP vừa được TP Hà Nội tổ chức, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: Ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố được Chính phủ quan tâm thúc đẩy với khung pháp lý là Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam; Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. UBND TP Hà Nội đã thực hiện tốt công tác quản lý các DNCN trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp đã được Chính phủ công nhận là doanh nghiệp động viên công nghiệp (ĐVCN); với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp sản xuất, sửa chữa VKTBKT phục vụ cho quốc phòng.
UBND thành phố giao cho các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ quản lý chặt chẽ tài liệu công nghệ, trang thiết bị do Nhà nước giao; phối hợp với các viện nghiên cứu để thực hiện nhiệm vụ chế tạo, sản xuất, sửa chữa VKTBKT cho LLVT Thủ đô; chỉ đạo theo chức năng sản xuất, nghiên cứu ứng dụng khoa học tập trung trên 4 lĩnh vực: Cơ khí, điện tử, hóa chất và luyện kim. Hằng năm, các DNCN tiến hành sản xuất sản phẩm ĐVCN đạt 100% chỉ tiêu của Bộ Tổng Tham mưu.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết: Trong những năm qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp, công ty trên địa bàn thành phố đạt doanh thu lớn và đã chiếm lĩnh, làm chủ được thị trường; liên kết với các công ty trong và ngoài nước góp phần vào phát triển kinh tế của Hà Nội nói riêng, của cả nước nói chung. Các DNCN đã tích cực đổi mới dây chuyền công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng và nhân lực, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp khác, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ĐVCN khi có tình huống xảy ra.
Dưới góc độ các doanh nghiệp được động viên, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Tây cho biết: "Cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất của công ty hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mà Bộ Quốc phòng giao. Công ty đã phát huy tốt việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng, bảo mật tốt tài liệu công nghệ được Nhà nước chuyển giao. Chúng tôi rất vinh dự và sẵn sàng vận dụng hiệu quả điều kiện công nghệ của doanh nghiệp để sản xuất trang bị phục vụ quân đội khi cần thiết".
Trong 12 năm qua, các cơ sở CNQP đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư nguồn lực tài chính thích đáng cho sự phát triển CNQP. Đến nay, nhiều dự án, dây chuyền ĐVCN đầu tư cho CNQP đã được triển khai đúng hướng theo quy hoạch, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài theo hướng hiện đại, đồng bộ, hiệu quả; nhiều công trình được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần để TP Hà Nội hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Tại hội nghị, các đại biểu đã gợi mở, đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết để thực hiện hiệu quả Pháp lệnh CNQP. Thời gian tới, CNQP tiếp tục đẩy mạnh phát triển theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đi sâu vào các công nghệ cao trong hoạt động nghiên cứu, hình thành các sản phẩm có tính đột phá về khoa học, công nghệ. Cùng với đó, phải quan tâm đầu tư phát triển công nghệ nền, công nghệ vật liệu để chủ động trong sản xuất các loại nguyên vật liệu, vật tư đặc chủng cho sản xuất quốc phòng; đổi mới công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT; tạo sự tăng trưởng cả về số lượng, chủng loại mới, có tính năng kỹ thuật, chiến thuật cao; đầu tư nghiên cứu, sản xuất một số chủng loại VKTBKT hiện đại, tập trung các vũ khí chiến lược...; đẩy mạnh phát triển kinh tế, phấn đấu xuất khẩu một số loại VKTBKT mang thương hiệu Việt Nam.
Một số kiến nghị, đề xuất cũng được nêu lên tại hội nghị, như Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan cần có cơ chế, chính sách quy định cụ thể đối với các cơ sở ĐVCN trên địa bàn TP Hà Nội để thu hút các DNCN trong việc tham gia sản xuất phục vụ quốc phòng. TP Hà Nội cũng đề nghị nâng Pháp lệnh CNQP thành Luật CNQP, tạo hành lang pháp lý để các địa phương, doanh nghiệp tham gia thực hiện hiệu quả.
Bài và ảnh: TRẦN THỊ THU THẢO