Thiếu ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản di tích
Tổng thể kiến trúc đồ sộ của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được các vương triều xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành một di sản quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di sản, di tích ở Việt Nam. Tuy nhiên, trải qua thời gian, một số hạng mục di tích đã xuống cấp ở các cấp độ khác nhau, ảnh hưởng đến giá trị, tính thẩm mỹ của di sản.
    |
 |
Khung cảnh thanh bình ở Hoàng thành Thăng Long. |
Trong những năm qua, mặc dù các hạng mục của di tích đã được Nhà nước quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo ở các mức độ khác nhau nhưng vẫn chưa đồng bộ và khắc phục được hoàn toàn sự xuống cấp của di tích theo thời gian. Hơn nữa, các hồ sơ, tài liệu về công trình này cũng còn nhiều hạn chế về nội dung nên chưa đủ để đóng góp một cách hữu hiệu và lâu dài cho công tác nghiên cứu, lưu trữ. Ngoài ra, hiện nay ở khu di tích này còn thiếu các nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào bảo quản các hạng mục di tích. Điều này, ảnh hưởng đến mục tiêu chung về bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị của di tích một cách hiệu quả, mang tính bền vững, lâu dài cho các thành phần kiến trúc nói riêng và trong tổng thế chung của khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Theo khảo sát, đánh giá thực trạng hư hỏng bề mặt vật liệu của Viện Bảo tồn di tích, các loại gạch, đá tại di tích Đoan Môn và Bắc Môn, hầu hết bề mặt gạch, đá bị các loại nấm mốc, rêu, tảo và thực vật xâm hại. Thực vật cao và rêu phủ kín bề măt gạch, nấm mốc tạo thành các mảng màu đen, trắng trên bề mặt gạch. Ngoài ra, vật liệu vữa, gạch, đá tại nhiều khu vực của Đoan Môn, Bắc Môn bị xuống cấp nghiêm trọng, bề mặt vữa bị bong tróc, vi sinh vật gây hại, không còn khả năng bảo vệ bề mặt gạch di tích, làm mất đi tính thẩm mỹ của di sản.
Thời gian qua, việc bảo quản bề mặt vật liệu gạch đã được quan tâm và thực hiện. Tuy nhiên, biện pháp sử dụng chỉ là biện pháp cơ học thông thường nên về lâu dài, không phù hợp, gây trầy xước bề mặt vật liệu, không loại bỏ tận gốc sự phát triển của nấm mốc.
Về thực trạng bậc thềm rồng đá phía Tây và phía Nam điện Kính Thiên. Trải qua thời gian, dưới tác động của các yếu tố môi trường tự nhiên như nước, ánh sáng, độ ẩm, rêu... và tác nhân khác đã làm cho hai bậc thềm rồng đá đang bị hư hỏng, xuống cấp, bề mặt bị mốc trắng, nứt vỡ, xuất hiện các thành phần trám vá ngoại lai như xi măng, làm giảm giá trị thẩm mỹ, tuổi thọ của di tích. Hiện nay, giải pháp để bảo quản 2 bậc thềm rồng đá đó là giữ nguyên hiện trạng và vệ sinh đơn giản bằng nước thường xuyên. Đây là một phương pháp mang tính duy trì tạm thời, không ngăn chặn được sự hư hỏng, xuống cấp vẫn đang đe dọa đến tuổi thọ của di sản. Vì vậy, cần phải có một giải pháp tổng thể về quy trình bảo quản, tu bổ di tích kiến trúc bậc thềm rồng đá.
    |
 |
Dấu tích kiến trúc “Lầu lục giác” khai quật tại Hoàng thành Thăng Long. |
Việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá mức độ xuống cấp và lập quy trình bảo quản, tu bổ các di tích kiến trúc hiện còn trên mặt đất tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là cơ sở khoa học trong quá trình can thiệp sâu vào di tích, là dữ liệu cần thiết cho việc xây dựng các kế hoạch triển khai công tác bảo quản, duy tu định kỳ, các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy tốt nhất các giá trị của di tích trong tổng thể chung của Hoàng thành Thăng Long. Kết quả nghiên cứu không những chỉ áp dụng cho di tích mà còn có thể vận dụng trong công tác bảo quản, tu bổ các di tích khác trong hệ thống các di tích thuộc tổng thể khu vực di tích như các cổng hành cung, Hậu Lâu, thềm rồng...
Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý trăn trở: Những khó khăn, thách thức trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị đối với khu di sản trong bối cảnh đô thị hiện đại, đang phát triển cũng đặt ra với nhiều băn khoăn, lo lắng cho những người làm công tác quản lý. Bởi lẽ, việc nghiên cứu bảo tồn các di tích khảo cổ học nằm sâu dưới lòng đất vốn là vấn đề rất khó khăn, phức tạp và mang tính quốc tế, không chỉ riêng đối với Việt Nam.
Hãy hoàn trả lại không gian Chính điện Kính Thiên
Đó là ý kiến của TS Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội.
Khu vực Chính điện Kính Thiên trải qua bao thăng trầm của lịch sử hiện nay vẫn còn lại dấu tích của lan can đá thềm, bậc dẫn lên khu nền cao 2m như một chứng nhân ngày đêm “bền gan cùng tuế nguyệt”, minh chứng cho quá khứ hào hùng của Kinh đô Thăng Long và đất nước.
    |
 |
Rồng đá trên thềm Chính điện Kính Thiên. |
Chính điện Kính Thiên là kiến trúc trung tâm của Cấm thành Thăng Long, nơi đặt ngự tọa của Hoàng đế, biểu trưng cao nhất của quyền lực quốc gia Đại Việt thời Lê. Nghiên cứu hoàn trả không gian Chính điện Kính Thiên là công việc cấp thiết, có ý nghĩa và giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc không chỉ đối với Thăng Long-Hà Nội mà còn với cả nước.
Theo TS Nguyễn Văn Sơn, nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên có ý nghĩa sâu sắc và đa chiều, góp phần nâng cao nhận thức và năng lực nghiên cứu các giá trị di sản của Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Đây cũng là công trình quan trọng nhất, có sức hội tụ, lan tỏa nhất của Hoàng thành Thăng Long. Có thể nói, khi nào chưa khôi phục được Chính điện Kính Thiên thì chưa nối lại được mạch nguồn chủ chốt của văn hóa Đại Việt.
Đồng quan điểm về khôi phục lại điện Kính Thiên, PGS,TS Tống Trung Tín cho rằng: Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tập trung nghiên cứu, phục dựng tòa Chính điện Kính Thiên. Bởi đây là nơi huyệt điểm “tàng phong tụ khí”, nơi thông thiên đạt địa giữa các hoàng đế Đại Việt xưa với Thiên đế để tạo nên một chỉnh thể thống nhất giữa trời-đất-người.
Để trả lời cho những kiến nghị của các nhà khảo cổ học, nghiên cứu lịch sử về việc phục dựng lại Chính điện Kính Thiên, trong bài phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 10 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa Thế giới vừa diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã khẳng định: Chặng đường tiếp theo, Thành phố Hà Nội, mà cụ thể ở đây là Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, đổi mới, sáng tạo và hội nhập, nắm bắt cơ hội hợp tác trong nước và quốc tế để bảo tồn và phát huy giá trị di sản lâu dài, trong đó có việc cần làm ngay như: Nhất thể hóa quản lý di tích, di vật theo cam kết với Ủy ban di sản thế giới; Tập trung triển khai các dự án thành phần theo quy hoạch được phê duyệt; Đề án nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên; Đẩy mạnh chương trình giáo dục di sản cho thế hệ trẻ; Đẩy mạnh các hoạt động thu hút khách thăm quan và phát triển du lịch bền vững; đóng góp vào công cuộc xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp.
Thăng Long-Hà Nội, không chỉ là kinh đô nghìn năm tuổi, “thành phố vì hòa bình”, mà đang không ngừng vươn mình phát triển, hướng tới trở thành một “thành phố sáng tạo” trong tương lai không xa. Vì thế, việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản là việc làm cần thiết để lưu lại cho muôn đời sau.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN
Bài 3: Lan tỏa giá trị của di sản với cộng đồng