Chính quyền thành phố quyết định chọn phương án bảo tồn một phần trên tổng diện tích hơn 19.000m² của khu di chỉ.
Hướng mở cho bảo tồn di chỉ khảo cổ
Vườn Chuối là tên gọi của một di chỉ nằm trong một phức hợp các di tích khảo cổ học (các gò Mỏ Phượng, Dền Rắn, Chùa Gio, Cây Muỗng, Chiền Vậy và Vườn Chuối). Khu di chỉ này có chiều dài thời gian phát triển liên tục tới 3.500 năm, từ văn hóa Đồng Đậu-Gò Mun-Đông Sơn và cả sau Đông Sơn. Trong hơn 100 di tích DCKCH được thống kê có niên đại từ tiền Đông Sơn cho tới Đông Sơn ở khu vực Hà Nội, chỉ có vài di tích có niên đại cư trú lâu dài hàng nghìn năm. Việc tìm được một di chỉ nguyên vẹn, đầy đủ và có niên đại rất sớm, kéo dài hơn 3.500 năm như ở Vườn Chuối là điều may mắn hiếm thấy của Thủ đô Hà Nội.
Những năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ rất nhanh ở ven Quốc lộ 32 khiến cảnh quan tự nhiên của di chỉ Vườn Chuối bị các công trình và kiến trúc mới xâm lấn nghiêm trọng, chưa kể các vụ đào trộm cổ vật liên tục diễn ra ở đây. Từ năm 2007, cụm di chỉ này lại nằm trong khu vực đang triển khai những dự án trọng điểm phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế-xã hội (KT-XH) của thành phố. Trước nguy cơ toàn bộ cụm di tích Vườn Chuối bị “xóa sổ”, nhiều nhà khoa học và cộng đồng địa phương mong muốn có một phương án bảo tồn, gìn giữ lại một nguồn tài nguyên di sản văn hóa quý báu cho các thế hệ sau. Những ý kiến này đã có hồi âm tích cực. Chính quyền thành phố đã lựa chọn phương án nghiên cứu bảo tồn di tích Vườn Chuối. Năm 2019, UBND TP Hà Nội giao Sở Văn hóa và Thể thao thành phố có nhiệm vụ “tổ chức thám sát, khai quật khảo cổ tại khu vực Vườn Chuối; tiếp tục thu thập hồ sơ và tổng hợp giá trị của di chỉ Vườn Chuối qua các lần khai quật”, làm cơ sở để “đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn đối với DCKCH Vườn Chuối”.
    |
 |
Hố thám sát khảo cổ di chỉ Vườn Chuối lần thứ 10 đang được tiến hành. Ảnh: VƯƠNG ANH. |
Trên cơ sở những kết quả và tư liệu mới của đợt khai quật năm 2019, tháng 3-2020, di chỉ này tiếp tục được khai quật nhằm nghiên cứu làm rõ những giá trị đặc trưng của di tích, xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa, hoàn thiện phương án giữ lại một phần di tích để bảo tồn, đồng thời cũng tạo điều kiện giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng đường vành đai 3.5 và khu đô thị Kim Chung-Di Trạch. Ngày 13-5 vừa qua, DCKCH Vườn Chuối được tiến hành khai quật lần thứ 10. Việc tiếp tục khai quật, nghiên cứu, khoanh vùng bảo vệ và bảo tồn di chỉ Vườn Chuối trong thời gian tới hứa hẹn sẽ mang lại những tư liệu quý báu, góp phần có nhận thức toàn diện hơn về một làng Việt cổ ở châu thổ sông Hồng vào thời kim khí cách đây hàng nghìn năm. Các nhà khoa học đã nêu phương án bảo tồn Vườn Chuối dưới dạng một công viên lịch sử-văn hóa-khảo cổ hay công viên xanh trong lòng khu đô thị mới, để bảo vệ các di tồn văn hóa còn lại dưới mặt đất, đồng thời xây dựng một bảo tàng cộng đồng trưng bày, giới thiệu về giá trị di tích tới công chúng. Đây được coi là phương án tối ưu, có thể kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị nguồn tài nguyên di sản văn hóa với phát triển KT-XH và hạ tầng giao thông của thành phố.
Cần sớm có quy hoạch khảo cổ học ở Thủ đô
Các di tích khảo cổ học đô thị có thể cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu để có cái nhìn toàn diện về đô-thành thị trong quá khứ. Tuy nhiên, ở Hà Nội, trừ một vài di tích được khai quật theo chương trình khảo cổ học, như: Bắc Môn, Đoan Môn, Hậu Lâu, Quần Ngựa, khu vực 62-64 Trần Phú, 47 Hàng Dầu, thì hầu như tất cả các cuộc khai quật “chữa cháy” đều bắt đầu từ các đại công trình xây dựng.
Dự án xây dựng các tòa nhà ở 62-64 Trần Phú làm trụ sở Văn phòng Quốc hội dẫn đến cuộc khai quật (năm 2001-2002) phát hiện góc tây nam thành Hà Nội. Công trình xây dựng Nhà Quốc hội đã dẫn đến cuộc khai quật phát hiện Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội tại 18 Hoàng Diệu (năm 2002). Khi triển khai thi công đường Xã Đàn đã phát hiện đàn Xã Tắc (năm 2006). Xây dựng tòa nhà Vincom Bà Triệu phát hiện đàn tế Nam Giao (năm 2007)... Hầu hết các cuộc khai quật đó đều chịu sức ép của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn và công luận mới được tiến hành một cách “miễn cưỡng”. Nhiều di chỉ, di tích đã bị “khai quật di dời” để nhường chỗ cho phát triển. Thực tế đó khiến việc quy hoạch khảo cổ học đô thị được đặt ra cấp thiết với quá trình xây dựng, mở rộng Thủ đô trong tương lai, đặt ra yêu cầu xây dựng quy hoạch khảo cổ học Hà Nội, trong đó xác định (dù chỉ tương đối) những khu vực và mật độ phân bố các di tích khảo cổ học. Quy hoạch đó phải được chính thức hóa về mặt pháp lý. Có quy hoạch khảo cổ học chuẩn xác, rõ ràng thì công việc quy hoạch xây dựng sẽ được triển khai một cách chủ động, có kế hoạch trên cơ sở kết hợp giữa bảo tồn và phát triển một cách hài hòa.
Những thăng trầm của di chỉ Vườn Chuối có thể nêu bài học và hy vọng về một hình mẫu mà ở đó bảo tồn văn hóa đã “hòa thuận” với sự phát triển đô thị hiện đại. Nếu ở di sản có sự đối thoại tìm ra phương án tốt từ nhiều phía (chính quyền, nhà khoa học, doanh nghiệp đầu tư và cộng đồng) để tìm ra phương án tốt nhất thì di sản sẽ có nhiều hy vọng “sống” tốt hơn.
Tiến sĩ NGUYỄN ANH THƯ