Bánh khúc là thức quà dân dã, gần gũi với mỗi người dân Hà Nội. Giữa đêm đông Hà thành sẽ không quá khó khi nghe những tiếng rao rất Hà Nội: “Ai bánh khúc đây…ai bánh khúc nào…”, hay “Ai xôi lạc, bánh khúc đây”.

Đối với người mới đặt chân đến Hà Nội, những tiếng rao đấy sẽ tạo nên không ít những khúc mắc trong lòng khi nghe nhầm thành “Tôi là bánh khúc đây”. Đó là một trong những điều khiến người nghe tiếng mời gọi mua bánh khúc ấn tượng khó quên.

Một chiếc bánh khúc ngon đòi hỏi các thành phần làm nên bánh cũng phải chuẩn chỉnh. Đó là từ màu sắc hài hòa, từng lớp từng lớp bánh quyện với nhau, khi ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm của lá khúc, vị dẻo mềm của xôi, ấm sực trên tay khi thời tiết bắt đầu se lạnh.

leftcenterrightdel

Chiếc bánh khúc khiến du khách đến Hà Nội ăn một lần mãi không quên.

Món quà dân dã đó tưởng chừng làm rất dễ nhưng lại đòi hỏi rất nhiều sự cầu kỳ. Nguyên liệu chính làm nên bánh khúc tất nhiên sẽ là lá rau khúc. Tìm được loại cây khúc đúng chuẩn để làm bánh cần phải người tinh ý, vì thường cây khúc chỉ mọc tự nhiên chứ không được trồng cố định bao giờ. Và đến khi tìm được chỗ có cây thì lại phải tinh ý nhận ra đây là khúc tẻ làm bánh chứ không phải khúc nếp thân to nhiều nước sẽ khiến bánh bị nát mà lại không thơm.

Việc chọn gạo, đỗ cũng kỹ lưỡng không kém. Những hạt nếp làm bánh được tuyển chọn là hạt to, tròn. Khi đồ lên nếp sẽ dẻo thơm, có độ kết dính và nó vẫn còn ngay cả khi lớp xôi đã bị nguội.

Đến phần nhân bánh được làm từ đỗ xanh và thịt lợn ba chỉ. Đỗ sẽ được đồ chín giã nhuyễn mang sắc vàng ươm bọc ngoài miếng thịt ba chỉ trắng trong mướt mát được tẩm ướp nước mắm hạt tiêu đủ độ. Việc lựa chọn nhân bánh là thịt ba chỉ cũng thể hiện tự tinh tế của người làm. Bởi vì nếu thịt nạc quá bánh sẽ bị khô, thịt mỡ quá thì bánh sẽ bị ngấy.

Sau khi hoàn thành xong khâu chuẩn bị nguyên liệu, thú vị nhất là khâu nặn bánh. Buổi tối ở những gia đình làm bánh bán, các thành viên trong nhà lại quây quần xung quanh thau bột cùng nặn bánh để kịp bán vào sáng hôm sau. Đôi bàn tay của những nghệ nhân làm bánh cứ thoăn thoắt ta vo tròn rồi tán mỏng viên bột, cho nhân vào giữa bọc lại sao cho vỏ mỏng nhưng không được lộ nhân.

Bánh khúc sau khi nặn xong sẽ được sẽ được đồ bằng nồi đất khoảng 30 phút để vừa đảm bảo độ ngon mà lại giữ bánh luôn nóng hổi. Chiếc bánh nóng ấm sẽ được gói bằng lá chuối giúp cho phần nếp dẻo quyện không dính vào tay người dùng.

Bánh ăn ngon nhất là khi nóng hổi. Vì vậy, để tận hưởng được hết hương vị của chiếc bánh, người dùng cũng cần phải có chút thời gian. Lúc đó, lớp vỏ bánh bóng, dai, hòa quyện cùng mùi thơm của rau khúc, hạt tiêu, vị bùi của đỗ, thịt, giòn của mộc nhĩ.

Chiếc bánh nóng ấm, thơm thơm, bùi bùi, ngậy ngậy, dẻo dẻo chỉ cần một lần thưởng thức sẽ thật khó quên, đặc biệt khi được thưởng thức bánh giữa mùa lạnh của Hà thành.

Bài, ảnh: ĐẶNG CƯỜNG