Thức quà dân dã này hiện đã được nhiều người biết đến, trở thành đặc sản của Đường Lâm và thật dễ dàng để mua được những chiếc bánh này ở các hàng bánh rải rác từ chợ đến cổng chùa Mía. Bánh được để trong thúng tre hoặc thùng xốp, ủ bằng bao tải gai hoặc ủ bằng khăn vải để giữ nhiệt. Cầm chiếc bánh, mở lớp lá dong xanh đã hơi ngả sang vàng, khúc bánh với màu trắng trong của bột gạo vương tỏa hơi nóng và mùi thơm dịu nhẹ. Dường như hương vị đậm đà của chiếc bánh Đông Sàng đưa ta trở về với những kỷ niệm tuổi thơ.

leftcenterrightdel
Bánh tẻ-thức quà dân dã của người dân Sơn Tây (Hà Nội).
Chị Lê Thị Phượng, một trong những người làm bánh tẻ lâu năm ở thôn Đông Sàng cho biết: “Làm bánh tẻ không quá phức tạp nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, không được coi nhẹ bất kỳ một khâu nào. Tuy nhiên muốn làm được bánh ngon phải phụ thuộc vào “tay làm bánh” của từng gia đình”.

Nguyên liệu chính làm nên bánh tẻ Đông Sàng là bột gạo tẻ. Để bánh trắng, thơm ngon, không bị dính, người làm bánh đem gạo vo sạch, ngâm trong khoảng thời gian từ 4 đến 5 ngày cho ngấm. Trong quá trình ngâm, gạo phải phải thay nước thường xuyên để tránh bị hỏng. Sau đó gạo được đưa vào cối xay bột, lọc và cho vào nồi nấu “ráo dở” chín 50%. Ráo bột là khâu quan trọng nhất quyết định đến chất lượng của bánh. Bột không được nấu chín quá, cũng không sống quá và không được để bị khê, vừa đun vừa khuấy đều tay cho bột mềm, mịn, tránh vón cục. Còn nhân bánh thường được làm bằng thịt lợn ba chỉ, hành củ sao vàng, rồi mộc nhĩ đen thái chỉ để có độ giòn và dai. Sau đó, tất cả được trộn lẫn rang cho lửa vừa chín tới. Đây cũng là bí quyết riêng làm nên hương vị độc đáo của bánh tẻ Đông Sàng.

Đặt chân tới làng cổ Đường Lâm, thưởng thức món bánh tẻ Đông Sàng, chị Lê Thu Hà (sinh viên năm ba Học viện Báo chí Tuyên truyền, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Đường Lâm đã thực sự đem lại cho tôi một trải nghiệm thú vị. Tôi được tham quan, học hỏi, có thêm những kiến thức về kiến trúc, nghệ thuật của Việt Nam. Đặc biệt vị đậm, béo trong nhân của món bánh tẻ Đông Sàng. Bánh ngon nhất là ăn lúc nóng, rồi chấm với tương ớt cay hoặc mắm ngon thì thật tuyệt. Nếu có cơ hội, tôi nhất định sẽ quay trở lại mảnh đất này và thưởng thức món bánh tẻ thêm lần nữa”.

Bánh tẻ đang trở thành một loại thức ăn không thể thiếu trong những ngày Tết của người dân nơi đây. Không chỉ có vậy, hiện nay, món ăn dân dã này còn được dùng làm quà biếu hoặc phổ biến trong các đám cỗ, lễ hội, hội nghị, tạo thêm sắc màu văn hóa ẩm thực của riêng xứ Đoài…

HUYỀN ANH