Hà Nội những ngày này những cơn gió lạnh bắt đầu ùa về, ai ai cũng thèm một món quà vặt nóng ấm để được xì xụp bên bạn bè, người thân. Vậy nên chẳng hẹn mà gặp, từ các quán vỉa hè đến những gánh hàng rong bán bánh trôi tàu đều đông khách.

Bánh trôi tàu mùa nào cũng có nhưng để thưởng thức hết được vị ngon của thức quà này thì chỉ chờ đến ngày đông. Uống chút nước gừng cho ấm bụng, rồi nhâm nhi từng chút miếng bánh dẻo quyện, vừa thổi vừa ăn mới thấm hết được sự ấm áp trong cái lạnh se sắt.

Bánh trôi tàu được xem là một thức quà dân dã, bởi nguyên liệu làm nên món bánh này rất phổ biến. Đó là gạo nếp, đỗ xanh, vừng đen, gừng già, đường thẻ, dừa nạo, nước cốt dừa, lạc. Nhưng sự thật để làm món bánh đạt chuẩn cũng đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mẩn của người làm.

leftcenterrightdel
Bánh trôi tàu thức quà ngày Hà Nội trở lạnh.

Bánh trôi tàu có hai phần chính đó là phần vỏ và phần nhân. Để làm phần vỏ người ta cho bột nếp, bột tẻ, muối vào tô sạch rồi bạn trộn đều, sau đó thêm từng ít nước trộn đều để có được hỗn hợp bột. Bột không được quá khô cũng không quá nhão.

Phần nhân thì công phu hơn, vừng và đỗ xanh xay thật mịn rồi cho vào chảo nấu chung với đường và dầu ăn cho đến khi nhân bánh đặc lại có thể vo thành cục. Bột được chia thành các viên nhỏ đều nhau, không quá to, vo tròn rồi ấn dẹt miếng bột sau đó đặt viên nhân vừng đen vào giữa, gói kín lại cho tròn đều. Sau cùng lấy ít vừng đen rắc lên giữa bánh, ấn nhẹ cho vừng bám chặt.

Những chiếc bánh khi làm ra phải vừa vặn, không quá to, cũng không quá nhỏ. Khi làm bánh không được để bị hở, bị vỡ lộ nhân bánh. Chính điều này đòi hỏi sự khéo léo của người làm.

Nước đường gừng được xem như linh hồn của món bánh trôi tàu. Nước đường được giữ sôi liu riu trên bếp, không quá đặc, không quá loãng, không quá ngọt cũng không quá nhạt. Về màu sắc của nước phải có màu ngả vàng mật ong.

Khi thực khách vào quán gọi đồ, những nguyên liệu mới chính thức được làm, bếp bắt đầu đỏ lửa. Đôi tay của cô hàng cứ thoăn thoắt vo tròn rồi nhẹ nhàng thả những chiếc bánh vào nồi nước đường gừng đang sôi liu riu.

Khi chiếc bánh nổi lên cũng là lúc chúng được bày vào những chiếc bát sứ trắng ngần. Bát bánh trôi tàu khi được múc ra sẽ được thêm lạc rang, cốt dừa, hay thậm chí là một chút dừa tươi nạo nhỏ. Những thứ đồ thêm vào bát cũng phải cân đong đo đếm thật tinh tế để cái thơm nồng, ấm nóng của gừng không bị át đi.

Ngon nhất khi múc ra, phần nước đường chuyển thành màu vàng mật ong, điểm thêm một vài miếng gừng giã giập, thơm lừng. Để có được nước đường ngon, người nấu phải thật khéo léo. Những thứ thêm vào như lạc rang, cốt dừa, hay thậm chí là một chút dừa tươi nạo nhỏ cũng phải cân đong đo đếm thật tinh tế để cái thơm nồng, nóng nảy của gừng không bị át đi.

Bánh trôi tàu ngon nhất là thưởng thức khi còn nóng. Trong cái lạnh se sắt và những giọt mưa ẩm ướt, đôi tay chạm vào bát bánh trôi tàu nóng ấm đang bốc khói khiến cho cái ấm cũng lan tỏa lên tay. Hương thơm của gừng hòa quyện vào sự ngọt ngào của nước đường và béo ngậy của cốt dừa sẽ thật khó cưỡng lại. Vỏ bánh mịn, cảm giác đặt vào đầu lưỡi lớp vỏ đã tan khẽ, vừa dẻo, lại vẫn không nát.

Với bánh trôi tàu phải thưởng thức nhâm nhi từng miếng nhỏ vì vậy người thực khách phải là người có thời gian, không vội vã. Điều này không chỉ vì bánh nóng mà nếu vội vã sẽ khó cảm nhận được cái vị ngọt bùi của nhân bánh. Xắn một miếng bánh trôi, thêm chút nước đường và lạc rang, thổi phù phù rồi đưa vào miệng, cái nóng, cái ngọt của nước đường bùng lên.

Cái hơi ấm thơm ngon, ngọt lành ấy cứ vậy thấm vào trong từng miếng bánh, lan tỏa vào cái lạnh đang bao trùm lấy không gian. Để rồi bất cứ ai một lần được thưởng thức bánh trôi tàu giữa cái tiết trời Hà Nội đang trở lạnh sẽ nhớ mãi không quên.

Bài và ảnh: NGUYỄN CÚC