Phóng viên (PV): Đề nghị ông cho biết về quy mô, hiện trạng Bảo tàng Hà Nội?

Ông Đặng Minh Vệ: Bảo tàng có tổng diện tích 53.963m2, với chiều cao 30,7m, gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm, trong đó tầng 4 có diện tích lớn nhất, các tầng dưới nhỏ dần theo kiến trúc kim tự tháp ngược. Công trình xây dựng nhà bảo tàng được khánh thành vào năm 2010 (giai đoạn 1) nhân dịp kỷ niệm 1000 Thăng Long-Hà Nội. Giai đoạn 2 trưng bày tài liệu, hiện vật đang được tiến hành.

Hiện nay, theo phương án xây dựng điều chỉnh thì Bảo tàng Hà Nội sẽ có 7 chủ đề (25 tiểu chủ đề) và 1 chuyên đề được giới thiệu tại 3 tầng nhà bảo tàng. Cùng với đó, vị trí tầng 1 sẽ là nơi đón tiếp và hướng dẫn khách tham quan, nơi gửi đồ, cửa hàng lưu niệm. Ngoài ra, ở ngoài sân vườn, tại các vị trí ô đá, bãi cỏ đã được bảo tàng Hà Nội trưng bày và tái tạo phố cổ, cổng làng... Hiện vật thể khối lớn và bảo tàng cũng có bổ sung thêm khu trưng bày đầu tàu hơi nước, khu phục vụ cà phê và ẩm thực...

leftcenterrightdel
 Ông Đặng Minh Vệ.


PV:
 Đâu là thuận lợi, khó khăn trong quá trình Bảo tàng Hà Nội hoàn thiện để mở cửa đón khách tham quan, thưa ông?

Ông Đặng Minh Vệ: Cán bộ, công nhân viên Bảo tàng Hà Nội luôn ý thức trách nhiệm cao để xây dựng bảo tàng xứng tầm vị thế Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước. Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng một công trình hiện đại có giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, chúng tôi phải làm sao để xây dựng phần trưng bày thật sinh động, hấp dẫn và không có sai sót.

Do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là nguyên nhân khách quan nên Bảo tàng Hà Nội phải trải qua nhiều đợt thay đổi đề cương, nội dung trình bày cũng như đơn vị tư vấn thiết kế. Có thể kể đến lần thay đổi nội dung khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, dẫn đến việc đề cương cũ phải chỉnh sửa và bổ sung các vùng đất mới hợp nhất. Thêm nữa, với kịch bản khu trưng bày và được phê duyệt ban đầu, chúng tôi thấy rất khó khăn trong việc trưng bày vì thiếu tư liệu, hiện vật. Dù kịch bản văn học rất hay nhưng thực tế chuyển ra thành ngôn ngữ của bảo tàng cần phải có đầy đủ tư liệu, hiện vật để chứng minh. Chính vì vậy, năm 2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung nội dung kịch bản trưng bày để bảo đảm phù hợp với thực tế tư liệu, hiện vật Bảo tàng Hà Nội đang có và có khả năng cao trong việc sưu tầm. Sau khi nhận được chỉ đạo trên, đến nay Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt sưu tầm, nâng tổng số hiện vật lưu trữ bảo quản trong kho hiện nay hơn 70.000 tài liệu, hiện vật. Về cơ bản, các khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết, dự kiến cuối năm 2021 khởi công phần trưng bày, phấn đấu hoàn thành trong năm 2022.

PV: Ông có thể tiết lộ một vài điểm nhấn đáng chú ý trong nội dung trưng bày mà Bảo tàng Hà Nội sẽ thực hiện?

Ông Đặng Minh Vệ: Là bảo tàng của Thủ đô, chúng tôi chỉ tập trung trưng bày những chủ đề, những hiện vật phản ánh lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của Hà Nội. Song, với vị trí là Thủ đô của nhiều triều đại, là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của nước nhà nên sẽ có những phần trưng bày có nội dung trùng lặp các bảo tàng khác. Chẳng hạn, sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn Độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945, chúng tôi phải lựa chọn hiện vật, cách trưng bày làm sao để khác với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia... Chúng tôi sẽ sử dụng nhiều bộ phim ngắn để minh họa cho những sự kiện không có tư liệu, hiện vật như sự kiện vua Lý Công Uẩn dời đô năm 1010.

leftcenterrightdel
 Khách tham quan trưng bày chuyên đề "Quốc hiệu và kinh đô nước Việt trong mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới".Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021, do Bảo tàng Hà Nội cung cấp.

Về hiện vật, điểm độc đáo là Bảo tàng Hà Nội sẽ trưng bày tất cả các hiện vật gốc, không trưng bày hiện vật phục chế, mô phỏng để tăng sức thuyết phục, hấp dẫn trong nội dung trưng bày.

Bảo tàng Hà Nội trong quá trình thi công, thiết kế nội dung sẽ ứng dụng tối đa công nghệ để công chúng tham quan bảo tàng thấy thoải mái, tiện ích như: Công nghệ thực tế ảo, thuyết minh tự động, công nghệ trình chiếu 3D mapping, âm thanh và ánh sáng hiện đại... Trên thực tế, dù Bảo tàng Hà Nội chưa mở cửa đón khách song cũng tổ chức thành công một số triển lãm ứng dụng công nghệ cao, như: Triển lãm nghệ thuật đa phương tiện “Bùi Xuân Phái với Hà Nội” với công nghệ trình chiếu 3D mapping kết hợp hiệu ứng âm thanh, hình ảnh; Triển lãm “Nhịp đập sinh học Việt Nam-Đài Loan (Trung Quốc)” sử dụng công nghệ trình chiếu trên projector, màn hình LCD kết hợp âm thanh và ánh sáng... Các triển lãm có ứng dụng công nghệ cao này đón tiếp hàng vạn du khách, minh chứng cho hiệu quả của công nghệ trong ngành bảo tàng.

PV: Sau khi mở cửa đón khách, đường hướng hoạt động Bảo tàng Hà Nội hướng đến là gì, thưa ông?

Ông Đặng Minh Vệ: Chúng tôi luôn có ý thức Bảo tàng Hà Nội không chỉ là nơi lưu giữ các hiện vật tư liệu mà còn phấn đấu là địa chỉ giáo dục, văn hóa du lịch, vui chơi giải trí của người dân Thủ đô và du khách bốn phương. Muốn vậy, Bảo tàng Hà Nội phải xây dựng nhiều hoạt động, sự kiện để công chúng đến; đầu tư 4 phòng trải nghiệm, khám phá hiện đại; đưa ra nhiều gói tham quan phục vụ nhiều đối tượng công chúng...

Hiện nay, để chuẩn bị cho công tác mở cửa đón khách tham quan trưng bày thường xuyên sau này, hằng năm bảo tàng vẫn tổ chức các trưng bày lưu động đến các trường học với mục đích duy trì số lượng khách tiềm năng vô cùng lớn này.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)