Với ý nghĩa thực tiễn đó, Hội thảo Khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa” do UBND quận Đống Đa phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tổ chức sáng 10-12, tại khuôn viên di tích nhằm khẳng định các giá trị lịch sử - văn hóa của di tích này.
Giá trị lịch sử và văn hóa Gò Đống Đa
Gò Đống Đa tọa lạc trên phố Tây Sơn, thuộc phường Quang Trung, Hà Nội. Quần thể di dích có diện tích hơn 6.000m2 là nơi diễn ra trận đánh thần tốc của vị vua áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, được xem là một trong những biểu tượng chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn. Hơn hai thế kỷ trôi qua nhưng di tích lịch sử Gò Đống Đa vẫn được lưu giữ gần như nguyên vẹn, bất chấp tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ ở Hà Nội và trở thành một trong những địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội và cả nước.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.qdnd.vn/data/images/4/2019/12/10/vuhuyen/21102019huyen69.jpg?dpi=150&quality=100&w=575) |
Tượng Quang Trung tại di tích Gò Đống Đa. |
Tại hội thảo, tham luận của các đại biểu khẳng định: Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu (1789) là một chiến công vĩ đại và hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Hơn 200 năm qua, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và tên tuổi, sự nghiệp của vua Quang Trung đã trở thành tấm gương ngời sáng tiêu biểu cho trí tuệ, nghệ thuật quân sự Việt Nam, truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Nói về Gò Đống Đa, hiện vẫn có những ý kiến khác nhau về thời điểm xuất hiện tên gọi trước hay sau năm 1789. Tuy nhiên, một số đại biểu đã đưa ra những tư liệu lịch sử (tư liệu thành văn, tư liệu văn bia) cho thấy tên gọi Đống Đa có từ trước năm 1789. Các tham luận khẳng định địa danh này gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại nơi chốn Kinh kỳ, là dấu tích và biểu tượng oai hùng chống ngoại xâm của dân tộc ta nói chung và đặc biệt là chiến thắng lừng lẫy Ngọc Hồi - Đống Đa vào mùa Xuân 1789. Do vậy, mang giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc.
TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết: Chiến thắng xuân Kỷ Dậu (1789) với chứng tích là Gò Đống Đa trở thành một mốc son huy hoàng trong lịch sử dân tộc. Bên cạnh đó, không gian văn hóa Đống Đa với những nét văn hóa truyền thống còn lưu giữ và bảo tồn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt hôm nay và mai sau.
PGS, TS Bùi Văn Liêm, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia khẳng định: Gò Đống Đa là một trong những di tích có giá trị lịch sử đặc biệt, là điểm du lịch văn hóa lịch sử nằm trong tuyến du lịch như Ngọc Hồi-Đống Đa-Văn Miếu và các di tích khác ở thủ đô Hà Nội, thuận lợi cho việc thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương nên việc tôn vinh, giáo dục truyền thống lịch sử cần đảm bảo theo các văn bản pháp quy hiện hành.
TS Nguyễn Doãn Văn, Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội: Sự hiện diện của di tích này là một điểm sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nơi hội tụ tâm linh và là niềm tin của cộng đồng trong sự cộng sinh nội tại, để từ đó lan tỏa tới mọi người, mọi nhà được thừa hưởng không gian văn hóa tâm linh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Hiện trên gò Đống Đa còn di tích của một ngôi miếu thờ, đề ba chữ “Trung liệt miếu” để thờ cúng những người đã chết trận. Có thể nói, ít có nơi nào trên đất nước ta lại có một di tích lịch sử - văn hóa độc đáo như vậy. Chứng tích nói về Gò Đống Đa đến nay vẫn còn nguyên gò đất khá cao và rộng cùng những cây cổ thụ lớn hơn trăm năm tuổi. Đỉnh gò còn nguyên nền móng miếu Trung Liệt và liền phía mặt trước là cổng tam quan còn giữ nguyên hiện trạng, trên tam quan nổi bật là ba chữ lớn “Trung Liệt miếu”
Một số đại biểu đưa ra ý kiến đề xuất, cần nghiên cứu, phục dựng lại miếu Trung Liệt để nơi đây trở thành nơi tôn vinh võ công hiển hách của dân tộc, nơi thờ phụng, tưởng niệm các tướng sĩ đã hy sinh anh dũng cho đất nước, cho Thăng Long - Hà Nội. Giới thiệu cho quảng đại quần chúng nhân dân về sự kiện lịch sử trọng đại chiến thắng Đống Đa - 1789 trong sự nghiệp vệ quốc hào hùng của dân tộc.
Hàng năm, tại di tích Gò Đống Đa, lễ hội gò Đống Đa truyền thống được coi là lễ hội đầu tiên, mở đầu cho một mùa lễ hội của Hà Nội. Mùng 5 Tết Nguyên Đán hàng năm, trong niềm thành kính tưởng, nhớ công ơn tiền nhân, người dân lại nô nức “trảy hội Đống Đa” như một nét du xuân không thể thiếu của người Hà Nội.
Đẩy nhanh các bước đầu tư xây dựng, khôi phục, tôn tạo di tích
Với những giá trị đặc biệt, di tích lịch sử Gò Đống Đa đã được Đảng, Nhà nước, Thành phố Hà Nội và quận Đống Đa quan tâm. Bên cạnh việc xếp hạng, di tích cũng đã từng bước được đầu tư, tu bổ, tôn tạo và xây dựng hạ tầng khá khang trang với nhiều hạng mục công trình như hiện nay là một sự cố gắng rất lớn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế: Đỉnh gò chỉ còn nền móng miếu Trung Liệt; Tam quan miếu đã bị xuống cấp; thông tin giới thiệu, biển chỉ dẫn sơ sài; nhà trưng bày quá nhỏ, khuất nẻo, giải pháp trưng bày cũ kỹ, hiện vật- tài liệu sơ sài; hoạt động, sự kiện ít, đơn điệu, chỉ tập trung vào dịp lễ hội, Tết là chính; cơ sở vật chất, công trình phụ trợ chưa đáp ứng nhu cầu khách tham quan; tổng thể cảnh quan xung quanh di tích chưa tương xứng với một khu di tích lớn của quốc gia…
TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đề nghị: Tôi cho rằng, các cấp có trách nhiệm đối với Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa, cần khẩn trương đẩy nhanh các bước đầu tư xây dựng (chỉnh lý trưng bày, xây dựng tôn tạo di tích, khôi phục xây dựng đền Trung Liệt, xây dựng nhà chờ khách tham quan, xây dựng hồ sơ trình lễ hội đặc biệt cho di tích…là việc nên làm nhất lúc này.
PGS. TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam cho rằng: Phải tăng cường tuyên truyền giáo dục rộng rãi trong nhân dân về chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, về sự nghiệp vẻ vang của Anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ nhằm nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Người dân cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng có một ngày hội vào mùng 5 Tết Nguyên Đán hàng năm mừng chiến công hiển hách của ông cha, vừa đón một mùa xuân mới với những hy vọng dựng xây cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp hơn. Giá trị lịch sử, văn hóa hòa quyện vào nhau tại di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN