Ngày đầu xuân, dẫn chúng tôi tham quan một vòng di tích đền Trấn Vũ, ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ cho hay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên lượng du khách tới làm lễ, tham quan di tích giảm nhiều; các hoạt động lễ hội thực hành kéo co ngồi trong ngày lễ chính (3-3 âm lịch) và hoạt động trải nghiệm cho học sinh, sinh viên cũng dừng lại gần 1 năm nay. Tuy nhiên, vào những ngày lễ, tết, ngày mồng một và ngày rằm, người dân Hà Nội và du khách gần xa vẫn tới đền để dâng hương tưởng nhớ Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt...

Đứng bên pho tượng bằng đồng nguyên khối cao khoảng 4m, ông Ngô Quang Khải kể, thần tích về Huyền Thiên Trấn Vũ có nhiều dị bản. Bia “Trấn Vũ Điện bi lý” dựng năm Minh Mệnh nguyên niên (1820) ghi: “Khi Lê Thánh Tông (1460-1496) đem quân đánh Chiêm Thành, ông đã dừng chân, nghỉ tại xã Cự Linh, được thần Trấn Vũ ứng mộng. Vua liền sai lập đền thờ, cho tạc tượng gỗ cùng bài vị ghi “Hiển linh Trấn Vũ quán”. Vua lại gia ân, ban cho dân làng sở tại một số ruộng đất để phục vụ hương hỏa cho đền. Đến năm Đinh Mão, niên hiệu Cảnh Hưng (1747), dân làng đã đúc tượng đồng thay thế tượng gỗ. Tuy nhiên, nhiều người đến đây chiêm bái, cảm thấy tượng chưa xứng với quy mô đền. Do đó, đến năm Mậu Thân (1788), nhân dân sở tại hưng công đúc lại tượng Trấn Vũ, năm Nhâm Tuất (1802) thì hoàn thành”. Pho tượng tồn tại đến ngày nay.

Khi nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ công nhận pho tượng là Bảo vật quốc gia, Giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng, pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ mang phong thái hiền hòa, gần gũi với tinh thần tạo tượng dân gian của người Việt. Pho tượng này đứng đúng vị trí thần linh chống lũ, chống lụt, bởi vì đất Gia Lâm (tên gọi trước đây) là đất thấp, trên đất này thờ toàn thần linh gắn với chống lũ, chống lụt. Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ trong dáng dấp của một vị đạo sĩ, chống kiếm trên lưng rùa và có con rắn leo lên. Rùa và rắn được coi là thủy quái dâng nước để gây nên lụt lội và kiếm của thần linh là sấm chớp, đánh xuống nước để chống lũ lụt. Công việc chống lũ lụt được người dân gắn với vị thần này, muốn thông qua thần để cầu mong vùng đất này khỏi bị lũ lụt, cho nhân dân xây dựng cuộc sống hạnh phúc... Cả pho tượng luôn tỏa ra dáng dấp uy nghiêm. Đức Thánh mình mặc áo giáp, trên áo điểm xuyết một số hoa văn, như hổ phù-được cách điệu dưới dạng hoa lá ở đầu gối, hoa văn tổ ong nổi ở cánh bắp tay, hoa lá thiêng ở diềm áo, rồi long mã ở trước ngực... Trải qua những biến cố của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, pho tượng vẫn ở nguyên vị trí ban đầu.

Thành thông lệ hằng năm, từ ngày 1 đến 3-3 âm lịch, người dân nơi đây lại tổ chức lễ hội đền Trấn Vũ để tưởng nhớ công ơn của Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Trong lễ hội, ngoài những nghi thức truyền thống của nhân dân vùng ven sông Hồng, người dân còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian độc đáo, trong đó có trò kéo co ngồi với ước vọng được thần bảo vệ, che chở cho xóm làng bình yên, mang lại niềm vui, tinh thần phấn khởi và một sức sống mới cho cộng đồng.

HÀ CHÂU