“Tuyết kính châu thiên độc hoán hồng trần khai giác lộ
Vân hương đặc địa tích thành bích thuỷ hội đào nguyên”
Đó là câu đối được khắc trong Đạo quán Bích Câu miêu tả cảnh sắc thần tiên của nơi này, tạm dịch là:
“Đường tuyết khai thiên biến đổi bụi trần nơi giác lộ
Vân hương mở đất tụ thành bích thuỷ chốn đào nguyên”
Tọa lạc về phía bên trái Văn Miếu, Bích Câu đạo quán được xây dựng trên gò Kim Quy nơi cố trạch của Tú Uyên bởi dân làng An Trạch, thuộc làng Bích Câu, huyện Quảng Đức, Phụng Thiên, phía Tây Nam thành Thăng Long (nay thuộc phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội). Gắn với lịch sử xây dựng quán là truyền thuyết “Bích Câu kỳ ngộ” mang đậm màu sắc thần tiên của Đạo giáo. “Bích câu kỳ ngộ” - tạm dịch: “cuộc gặp gỡ lạ lùng ở Bích Câu” – nguyên là một tiểu thuyết chữ Hán trong tập “Truyền kỳ tân phả” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, sau được dịch ra thành truyện thơ Nôm của Việt Nam, kể về sự tích một thư sinh tên Trần Tú Uyên gặp được tiên nữ tên là Giáng Kiều trên đất Bích Câu. Trong tác phẩm cũng đề cập đến hàng loạt địa danh của Kinh thành Thăng Long như: Sông Tô Lịch, chùa Bà Ngô (tại phố Sinh Từ, tức chùa Ngọc Hồ trong truyện), đền Bạch Mã (nay ở phố Hàng Buồm), gò Kim Quy (Tháp Rùa), Cầu Đông (nay ở phố Hàng Đường), đình Quảng Văn (vườn hoa Cửa Nam, Hà Nội ngày nay),…
|
|
Bích Câu Đạo Quán – Chứng tích của Đạo Giáo Thần tiên tại Kinh thành Thăng Long. |
Bích Câu là tên được đặt theo tên một ngòi nước thơ mộng, trong xanh như ngọc bích, chảy từ núi Nùng xuống Thủ Lệ rồi đổ vào hồ Tảo Liên (thuộc thôn An Ninh, tổng An Thành, huyện Vĩnh Thuận), vốn là hồ nước mênh mông trong suốt, tại đó thường có một loại hoa sen trắng nở vào đầu hè trước khi các loại hoa sen khác nở, nên Tảo Liên có ý nghĩa là hoa sen nở sớm. Vùng hồ này chính là đầu nguồn của sông Kim Ngưu. Giữa hồ Tảo Liên có gò Kim Quy rộng vài trượng, cảnh sắc như ở chốn bồng lai. Theo “Bích Câu kỳ ngộ”, gò này cũng chính là nơi thư sinh Trần Tú Uyên - con trai một quan huyện họ Trần dưới triều Hồng Đức nhà Lê (thời vua Lê Thánh Tông) - dựng nhà tranh làm nơi đọc sách, bởi chàng thấy gò nổi lên ở phía Tây Thái Hồ, chầu về Văn Miếu tạo một thế rất đẹp. Cũng theo sự tích này, chàng thư sinh Trần Tú Uyên đã tình cờ gặp nàng tiên nữ Giáng Kiều trong ngày hội xuân rồi đem lòng tương tư. Sau đó, chàng được thần Bạch Mã báo mộng và đã kết duyên được cùng Giáng Kiều. Sau này, Trần Tú Uyên nổi tiếng là thầy thuốc tài năng và tâm đức. Ngài Tú Uyên từng có công trị khỏi bệnh cho tướng giặc Trà Toàn khiến hắn cảm kích và rút quân, đất nước ta được bình yên trở lại. Do đó, vua Lê Thánh Tông phong tặng Ngài tước danh “An quốc chân nhân”. Về sau Tú Uyên đắc đạo thành tiên cùng Giáng Kiều cưỡi hạc bay về trời. Giáng Kiều và Tú Uyên có một con trai, đặt tên Trần Chân Nhi, ở lại trần gian để tiếp nối công đức, cứu độ chúng sinh.
Bích Câu Đạo quán được những người theo đạo Lão Trang lập nên từ thời nhà Lê, cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI đời vua Lê Thánh Tông, để thờ phụng nhằm tưởng nhớ công lao và mối duyên tiên của các vị tiên Trần Tú Uyên, Giáng Kiều và Trần Chân Nhi, đồng thời để làm nơi các đạo sĩ tụ họp, tu tập, luyện phép thần tiên. Đến thời Lê Trung Hưng, Đạo giáo suy thoái, phần lớn các đạo quán dần dần trở thành đền, chùa. Song, hằng năm, người dân vẫn mở hội tế vào mồng 4 tháng 2 âm lịch là ngày đắc đạo của tiên ông, 3-6 kỷ niệm ngày về trời, và 12-8 lễ sinh nhật Tiên Ông Trần Tú Uyên tại Bích Câu Đạo quán.
|
|
Hòn non bộ đặt ở giữa để chắn gió ở đền thờ Tiên Ông. |
Thực tế, Bích Câu Đạo quán là một quần thể bao gồm Chùa An Quốc do vua Lý Thái Tổ xây dựng, đền Tiên Ông Trần Tú Uyên, nhà thờ Mẫu và điện thờ mẫu. Trong đó, đền Tú Uyên, chùa An Quốc bên tả và tòa nhà đối xứng bên hữu được nối liền bằng khoảng sân rộng ngay sau cổng Tam quan của quán. Cả ba tòa nhà chính này đều có hướng Nam và xây theo lối kiến trúc truyền thống hình chuôi vồ. Riêng đền thờ Tiên Ông được xây dựng theo đặc trưng kiến trúc của Đạo giáo: Có một hòn non bộ đặt ở giữa để chắn gió, được biết đến là bình phong giả sơn; phía trước sân có hai giếng nước một hình tròn và một hình vuông để tượng trưng cho trời và đất, người ta gọi đó là thiên địa phong thủy.
Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, loạn lạc cùng lịch sử đất nước, Bích Câu đạo quán xuống cấp khá nhiều. Trong thời kỳ chiến sự cuối 1946 đầu 1947, quán từng là trụ sở của Ủy ban Kháng chiến Hà Nội, quán bị quân Pháp san bằng nhưng sau đó, năm 1953, quán được nhân dân địa phương góp sức khôi phục lại. Năm 1990, Bích Câu Đạo quán được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá; năm 2011-2012 UBND thành phố Hà Nội một lần nữa tiến hành trùng tu Bích Câu Đạo quán với kinh phí lớn và quán có diện mạo như ngày nay.
Dù hiện tại, Đạo giáo gần như đã không còn trên đất Thăng Long, và ta cũng khó có thể tìm thấy một đạo sĩ nào, song, Bích Câu Đạo quán là một di tích lịch sử minh chứng cho sự tồn tại và phát triển một thời của đạo Giáo Thần tiên ở kinh thành khi xưa. Ngày nay, Bích Câu Đạo quán ngoài thu hút khách hành hương và nhiều người khác đến tìm hiểu về thiên tình sử của tiên và người, còn trở thành nơi tổ chức các canh hát ca trù, và là nơi diễn ra các buổi tập dưỡng sinh.
Bài, ảnh: THÙY LINH