QĐND Online - Với những thực khách sành ăn ở Hà Nội, không ai có thể không biết tới món bún đặc biệt và đậm đà hương vị của cô Thiêm tại ngõ Hàng Khoai, quận Hoàn Kiếm.
Vị ốc tươi béo ngậy; nước dùng đậm đà truyền thống kết hợp với vị dấm bỗng chua thanh tạo cho thực khách một cảm giác khó quên. Tùy theo khẩu vị, thực khách có thể nêm thêm chút ớt chưng để ăn kèm với rau sống giúp tăng thêm hương vị.
Bún ốc vốn là món ăn dân dã có nhiều tại Hà Nội, nhưng để làm được bát bún ốc ngon, đậm đà hương vị và đánh thức vị giác của thực khách thì không phải nơi đâu cũng làm được. Quán bún ốc của cô Thiêm là một địa chỉ hiếm có có thể làm được điều như vậy. Phố Hàng Chai rất nhỏ hẹp, nhưng lúc nào cũng chật cứng xe cộ của thực khách tới thưởng thức bún ốc của cô Thiêm, một trong những món ăn ngon trên phố cổ.
 |
Quán bún ốc cô Thêm luôn đông khách, nhất là vào tầm giờ trưa.
|
 |
Một tô bún ốc đậm đà hương vị.
|
 |
Thực khách đến quán luôn cố gắng xếp xe gọn gàng đảm bảo giao thông trong ngõ Hàng Chai chật hẹp.
|
Cô Thêm, chủ nhân của quán của quán bún ốc tại Hàng Chai, là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống bán bún ốc. Bản thân cô Thêm cũng có thâm niên 25 năm gắn bó với gánh hàng bún ốc rong ruổi trên nhiều tuyến phố cổ trước khi “định cư” tại Hàng Chai.
Điểm đặc biệt của quán bún ốc cô Thiêm là thực khách tự giác xếp hàng và tự phục vụ. Thực khách không ai nhắc ai, nhưng đều tự động chờ đợi và tự bê về chỗ của mình những bát bún ốc thơm lừng.
Tô bún ốc Hàng Chai rất đơn giản, chỉ có bún kết hợp với ốc vặn, ốc nhồi, nước dùng và dấm bỗng. Nước dùng đậm đà làm bay đi vị tanh, nhưng vẫn làm dậy mùi ốc và rất thơm. Khi ăn, thực khách thấy bất ngờ vì sự tròn vị của nó: Vị thanh ngậy của nước dùng, chút xuýt xoa vì ớt chưng cay nồng, vị chua của dấm bỗng, vị đậm đà của mắm tôm và vị quẩy rán giòn tan khi đưa vào miệng. Tô bún cũng thể hiện sự hài hòa âm dương: Bún, ốc và nước dùng tính hàn lạnh được trung hòa và bổ trợ bởi vị ớt cay nóng tính dương, mang lại cho thực khách trải nhiệm đặc biệt. Chính vì cái hương vị cuốn hút đó, nhiều thực khách đã không ngại ăn “tới giọt cuối cùng”. Nếu bún ốc chưa đủ vững dạ, thực khách có thể mua thêm thịt bò để trần và dùng thêm.
Nói về món bún ốc của mình, cô Thêm chia sẻ: “Làm hàng ăn vất vả lắm! Tôi và người giúp việc phải dậy từ sớm chuẩn bị hàng, bếp. Tôi cũng lựa sức mình không thể kham nổi nếu bán cả ngày, nên chỉ chọn bán vào buổi sáng thôi!”.
Nhiều thực khách thắc mắc rằng, với món bún ốc ngon và đặc trưng như vậy, tại sao cô không mở quán to hơn hay chuyển tới địa điểm mới khang trang hơn, cô Thêm chỉ cười và nói: “Bán bún ốc có lời lãi được mấy đâu! Với lại mở quán lớn, mình không quán xuyến hết được, bún ốc chắc chắn sẽ mất vị, mất khách”.
Quán bún ốc của cô Thêm thường mở cửa từ 7 giờ sáng tới 13 giờ chiều hằng ngày. Do quán luôn đông, thực khách muốn thưởng thức nên đến sớm, tránh các giờ tan tầm trưa (đông khách, phải chờ lâu); chọn cho mình một chỗ ngồi và chờ đợi đến lượt ăn bún; giá mỗi bát bún 30.000 đồng. Việc “thưởng thức” bún ốc nghe chừng vất vả, nhưng chắc chắn thực khách tới thưởng thức sẽ không thất vọng!.
Bài, ảnh: TUẤN SƠN