Với những ngành nghệ thuật dân gian ít được ưa chuộng ở đời sống hiện đại, cơ duyên đến với nghề đa phần bắt nguồn từ truyền thống gia đình, quê hương. Ca nương Đặng Thị Hường là cháu nội của nghệ nhân ca trù nổi tiếng Nguyễn Thị Chúc (1930-2014) quê ở thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội - vùng đất giàu truyền thống ca trù.
Ở thuở “chưa biết cái chi chi”, Hường đã nghe bà hát ca trù, dạy các cô, các chị lớn tuổi. Những ấn tượng về ca trù in sâu mãi, lại được trời phú cho giọng hát hợp với ca trù nên tối nào Hường cũng lên nhà bà ngoại để được bà chỉ dạy.
    |
 |
Ca nương Đặng Thị Hường. Ảnh: MAI ĐỨC |
Học ca trù tuy không quá vất vả nhưng cần năng khiếu ở giọng hát và khả năng thẩm âm tốt. Ở Hường hội tụ đầy đủ hai yếu tố trên, thế nên sau thời gian được bà nội chỉ dạy, Hường đã tự tin đứng trên sân khấu biểu diễn năm 12 tuổi. Một điều may mắn cho Hường là thời điểm mới bước vào nghề, ca trù được quan tâm hơn khi UNESCO công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Nhiều cuộc thi, dự án bảo tồn giáo dục ca trù và nhất là hoạt động biểu diễn tại các câu lạc bộ diễn ra thường xuyên. Làm ca nương, điều quan trọng là được biểu diễn thường xuyên để luyện thêm cách hát, được các nghệ nhân chỉnh sửa, góp ý trực tiếp.
Vì ca trù không được đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học nên chị lựa chọn theo học ngành sư phạm âm nhạc ở Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Giờ đây sau khi ra trường, Hường vẫn đi dạy thêm âm nhạc cho các em học sinh và cố gắng trở thành cô giáo dạy nhạc tại một trường phổ thông nào đó. Với ca trù, chị vẫn duy trì việc nhận lời biểu diễn ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố, bởi ca trù đã ngấm vào máu, hát đã trở thành thói quen. Với nhiều nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống khác vẫn nhận lời hát ca khúc ở các thể loại nhạc để mưu sinh, nhưng với Hường chỉ trình diễn ca trù để bảo vệ giọng hát mất bao thời gian rèn luyện.
Hường đang có ý định quảng bá ca trù thông qua mạng xã hội, tuy nhiên chị mong muốn được cá nhân và các tổ chức chung tay giúp sức để nhiều người hơn nữa biết đến ca trù. Bởi những ca nương, nghệ nhân rất cần sự quan tâm của xã hội để ca trù không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại chứ không chỉ còn ở trạng thái cần được bảo vệ khẩn cấp như hiện nay./.
HOÀNG HOÀNG