Cà phê Hà Nội có nhiều thương hiệu nổi tiếng, đã đi vào lòng người nhưng với tôi, cà phê Giảng thật đặc biệt bởi từ hồi tôi còn bé, bố đã dẫn đi thưởng thức thứ cà phê trứng nổi tiếng này. Bố bảo “nhà mình nuôi gà, có trứng, có cà phê, có đường nhưng muốn thưởng thức cà phê trứng, cứ phải ra Giảng”.
Về sau, lên học đại học, mỗi khi có chút tiền, tôi vẫn lân la ra cà phê Giảng để thưởng thức thứ đồ uống thú vị này.
Thấm thoát hơn 30 năm rồi. Có nhiều người còn gắn bó với cà phê Giảng 40 năm, 50 năm, 60 năm... Họ đa phần là dân phố cổ. Cũng có người bôn ba lập nghiệp nơi châu Âu, Mỹ, Canada, Úc... cứ có dịp về với quê nhà Thủ đô lại “mò” đến cà phê Giảng để "ôn cố tri tân".
    |
 |
Khách nước ngoài thích thú khi thưởng thức cà phê Giảng. |
Hà Nội có nhiều quán cà phê trứng nhưng nói đến thứ đồ uống này, đa phần mọi người đều nghĩ ngay đến cà phê Giảng. Cũng giống như anh bạn đồng nghiệp, sau lần tôi dẫn đi trải nghiệm cà phê trứng của quán, mấy bữa sau háo hức kêu tôi: “Cà phê trứng Giảng đi”.
“Điều khiến cho cà phê của Giảng trở thành duy nhất và khác biệt với cà phê của các nhà hàng khác, chính là công thức pha trộn cà phê và trứng đến độ hoàn hảo, nhằm hạn chế tối đa vị ngấy và tanh của trứng gà. Mặc dù còn nhiều loại đồ uống khác trong menu: Như cacao trứng, đậu xanh trứng, rum trứng, bia trứng, trà xanh trứng, bia trứng… nhưng cà phê trứng vẫn là lựa trọn hàng đầu trong gói tour Hanoi Street Food của chúng tôi”, anh Nguyễn Trí Hòa - thế hệ thứ hai của cà phê Giảng khẳng định.
Còn anh Khắc Sơn, cũng là người nhà của cà phê Giảng thì trò chuyện với tôi lâu hơn, có sự tự hào của riêng mình. Anh Khắc Sơn nhớ lại: “Những ngày Tết Nguyên đán, nhà tôi mà nghỉ bán đến mồng 4, mồng 5 tết thì các tour, các hãng lữ hành kêu quá trời! Họ bảo: “Nhà anh nên nghỉ bán một, hai ngày thôi. 30 tết nghỉ là được rồi, chứ mồng 1 Tết bọn em dẫn khách tới không được thưởng thức cà phê trứng thì giông cả năm”.
Nhưng chuyện anh Khắc Sơn kể khiến tôi chú ý nhất chính là có một số người hay lân la hỏi mua bã cà phê của quán. “Mua để bón ruộng?”, tôi tự tin nhận định. “Được thế đã tốt. Họ mua để về làm cà phê giả đó. Phơi lên, cho hợp chất vào, rồi rang rang đảo đảo như đúng rồi... Họ trả giá từng cân bã cà phê một, nhà tôi thải ra bao nhiêu họ thầu hết. Hãi quá, gia đình tôi phải âm thầm mang đi xử lý bã cà phê”.
Rồi anh Khắc Sơn cũng chỉ cho tôi đi uống thấy cà phê nước đen nhánh thì đừng uống, cà phê xịn, chuẩn, nước óng vàng nhạt màu cánh gián. Cà phê rởm chỉ cần cho một vài giọt hóa chất vào là đen đặc, đánh lên tung bọt ngầu.
Ngồi uống cà phê Giảng ở Nguyễn Hữu Huân, nhưng lòng tôi cứ nhớ về quán cà phê Giảng mộc mạc, nhỏ bé ở đầu phố Hàng Gai năm nào. Giờ cà phê Giảng có tới mấy cửa hàng. Một ở đường Yên Phụ, một trên phố Đinh Tiên Hoàng và nơi tôi đang ngồi. Đó đều là những quán cà phê của con cháu cụ Giảng nối nghề. Cái hay của con cháu cụ Giảng khi nối nghiệp đó là cứ giản dị, âm thầm giữ lấy nghề. Không cần quảng báo rùm beng mà khách vẫn cứ ùn ùn đổ vào cà phê Giảng. Anh Khắc Sơn tâm sự với tôi: “Hãy cứ để khách hàng nói về cà phê Giảng, có lẽ như vậy chuẩn và thú vị hơn”.
Bài và ảnh: MINH MINH