Nhạc hiệu khúc ca “Sóc Sơn tình đất, tình người” cứ ngân nga trong tâm trí tôi: “Nơi những đỉnh núi có từ bao đời/ Trang cổ tích sáng ngời câu huyền thoại/ Nơi làng cháy, vó ngựa còn in mãi/ Tre đằng ngà óng như lụa tằm tơ”. Mảnh đất huyền thoại với truyền thuyết Thánh Gióng càng trở nên linh thiêng khi thấp thoáng dưới bóng thông rì rào những mái chùa vút cong, những trụ biểu sừng sững hiển hiện giữa trời lộng gió. Tiếng chuông ngân dài từ ngôi cổ tự Non Nước lưng chừng núi Vệ Linh (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) làm không gian thêm phần u tịch.

leftcenterrightdel
  Cảnh sắc chùa Non Nước.

Chúng tôi gặp cụ bà Hoàng Thị Thơ đang thong dong bước đến cổng chùa Non Nước. Người vãi già áo nâu khăn vấn, tay lần tràng hạt, miệng cười hoan hỉ nói rằng: “Lời Phật dạy người tu phải tự giác mở sáng trí tuệ của mình và đem trí tuệ đó đánh thức, giúp đỡ mọi người cùng giác ngộ, mà giúp cho người là lòng từ bi. Thế nên từ bi và trí tuệ luôn song hành cùng nhau”. Nghe lời người vãi già, chúng tôi thêm hiểu đi lễ chùa đâu phải cầu quyền cao chức trọng, tài lộc dồi dào. Đến cửa Phật để tâm tĩnh, tuệ sinh, lòng từ-bi-hỷ-xả, gạt bỏ mọi tham, sân, si. Đó cũng là điều đức Phật muốn giác ngộ chúng sinh.

Lối dẫn lên chùa Non Nước qua từng bậc đá rêu xanh, sương mờ lãng đãng trên tán thông già. Ngôi cổ tự nằm thâm nghiêm giữa một vùng non xanh nước biếc theo thế "long chầu hổ phục", xung quanh có 9 ngọn núi chầu vào, mặt hướng ra vùng hồ rộng lớn. Thật may mắn khi đến vãn cảnh chùa lại được nghe tích xưa. Cách đây nghìn năm, núi rừng Vệ Linh vẫn thâm u huyền bí như vậy. Nhưng bước chân của đức sư tổ Ngô Chân Lưu khi đến đây đã khiến mảnh đất này in dấu màu thiền. Huyền tích lưu truyền rằng đêm đầu ở lại, vị thiền sư đã mộng thấy thần báo phù trợ. Sớm hôm sau vào núi, ngài thấy có một cây to lớn cành lá xum xuê, bên trên có mây xanh bao phủ, lòng mừng thầm, bèn nhờ thợ hạ xuống khắc tượng như trong kỳ mộng rồi lập am thờ. Vị sư tổ có công khai mở đạo pháp để sau này đồi núi Sóc Sơn trở thành đất Phật với rất nhiều ngôi chùa cổ kính cùng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội-nơi tu tập của hàng nghìn tăng, ni.

Đứng trước khuôn viên chùa Non Nước lại thêm cảm phục tài năng, đức độ của vị sư tổ Ngô Chân Lưu. Ngài vốn thuộc dòng dõi Ngô vương, là cháu của Ngô Quyền. Thời thế tao loạn, kết duyên bồ đề, ngài đã quy y cửa Phật từ nhỏ sau này khuông phò cho đức minh quân. Năm 969, Đinh Tiên Hoàng mời thiền sư Ngô Chân Lưu vào cung và phong làm tăng thống. Hai năm sau, Vua Đinh ban pháp danh cho ngài là Khuông Việt đại sư với hàm ý vị sư khuông phò đất Việt. Trở thành vị quốc sư đầu tiên của nước ta, ngài đã dày công giúp sức cho tam triều Đinh, tiền Lê, Lý, để lại nhiều dấu ấn cả về chính trị, văn hóa, Phật giáo trong lịch sử dân tộc.

Tích xưa qua lời kể của vị vãi già như những lớp sóng bồi khiến cho trầm tích lịch sử ngôi cổ tự dày thêm mãi. Trải bao bãi bể nương dâu, chùa cổ phôi pha. Năm 2000, chùa Non Nước được phục dựng trên nền xưa đất cũ. Tòa đại điện thờ tượng đồng Phật Thích Ca lớn nhất nước ta lúc bấy giờ để phật tử chiêm bái thỉnh lễ. Thắp tuần nhang trước án thờ đức Phật, sư tổ, đọc văn bia ký, vãn cảnh nước non hữu tình, chúng tôi thêm phần tri ân công đức bậc tiền nhân có công lập chùa, dựng tượng, khắc ván in kinh, truyền bá Phật pháp để vùng non nước Sóc Sơn đẹp như trang cổ tích. Tìm về mảnh đất thiêng này, lòng người như lắng lại, an nhiên, bao ưu tư cuộc đời bỏ ngoài thiền môn.

Bài và ảnh: THƯ NGỌC