Trong đó, chùa Tây Phương là một trong những điểm du lịch tâm linh tại Hà Nội được nhiều người lựa chọn, để có được những trải nghiệm thú vị về kiến trúc chùa chiền, về nét văn hóa cũng như thể hiện tín ngưỡng tâm linh của mình.
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km, Chùa Tây Phương (tên chữ là Sùng Phúc tự) nằm trên ngọn núi Tây Phương, hình cong như lưỡi câu (xưa gọi là núi Câu Lậu), thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Chùa là nơi bảo tồn nhiều pho tượng phật thể hiện tinh hoa tuyệt vời của nghệ thuật tạc tượng Việt Nam và là minh chứng của một nền văn hoá có từ lâu đời.
Theo một số tài liệu để lại thì chùa Tây Phương được xây dựng từ lâu đời, là ngôi chùa cổ thứ hai, sau chùa Dâu ở Bắc Ninh. Chùa đã trải qua rất nhiều lần trùng tu vào các thế kỷ 16, 17, 18. Năm 1554, thời Lê Trang Tông, ngôi chùa được xây lại trên nền cũ. Năm 1632, vào đời vua Lê Thần Tông (1607-1662) chùa được xây dựng 3 gian: thượng điện, hậu cung và hành lang 20 gian. Sau đó, Tây Đô Vương Trịnh Tạc (1657-1682) cho xây lại chùa và tam quan. Dưới thời Tây Sơn, năm 1794 chùa được đại trùng , lấy tên mới là "Tây Phương Cổ Tự" và có diện mạo kiến trúc như hiện nay.
Kiến trúc cổ xưa của chùa Tây Phương.
Con đường dẫn vào chùa thanh vắng và thoáng đãng. Lối đi lên chùa có 237 bậc đá ong, hai bên là những rặng tre thẳng cao vút, cây cối xanh mát quanh năm và những nếp nhà giản dị được xây bằng đá ong của người dân vẫn còn được lưu giữ. Ven con đường đá ong ấy có cả một xóm dân cư sinh sống, những gia đình bình dị, hiền lành, chất phác, họ sống dưới chân đức phật từ bi và kiếm sống giản đơn ven con đường hành hương dốc đá.
Người dân kiếm sống giản đơn ven con đường đá ong.
Đặt chân vào giữa không gian thâm trầm, cổ kính của ngôi chùa, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự bền bỉ, vẹn nguyên của từng thớ gỗ, đường nét kiến trúc dù đã qua gần 5 thế kỷ, chứng kiền nhiều thăng trầm của dân tộc.
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc chữ Tam với ba toà cất dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau, gồm chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Mỗi toà đều có kiến trúc riêng rẽ, nhưng hợp thành một quần thể hài hòa, thống nhất.
Từ cổng Tam quan nhìn vào chùa Hạ.
Chùa được xây bằng gạch Bát Tràng nung đỏ, để trần không trát vữa, tạo cảm giác thô mộc gần gũi, các cửa sổ đều hình tròn với biểu tượng sắc không của đạo phật. Các mái đều lợp ngói hai lớp: Mái trên in hình lá đề, lớp dưới lót hình vuông sơn ngũ sắc xếp đều trên những hàng rui gỗ làm thành ô vuông ngay ngắn. Các góc mái của chùa đều cong, trên có gắn tứ linh bằng sành nung.
Đặc biệt, chùa Tây Phương như một bảo tàng sống động với nhiều pho tượng cổ độc đáo. 62 pho tượng hầu hết được tạc bằng gỗ mít nguyên khối, thể hiện sự tài hoa của những người thợ mộc xứ Đoài, được đánh giá cao về nghệ thuật tạc tượng cổ nước ta; gồm tượng la hán, tượng tổ, kim cương, hộ pháp. Các bộ tượng gồm Tam thế Phật (quá khứ, hiện tại, tương lai), tượng Di đà tam tôn, tượng Tuyết sơn miêu tả đức phật Thích Ca trong thời kỳ tu khổ hạnh. Hai bên tượng Tuyết Sơn có tượng A Nan và Ca diếp đứng hầu; tượng đức phật Di Lặc tượng trưng cho vị phật của thế giới cực lạc tương lai; tượng Văn Thù Bồ Tát; tượng phổ hiền Bồ Tát; tượng Bát bộ Kim cương…
Một số pho tượng La Hán chùa Tây Phương.
Trong đó, bộ tượng La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau ở hai bên tường thượng điện đã thực sự cuốn hút du khách, có pho thì đứng, có pho thì ngồi, pho có vẻ mặt hân hoan tươi tắn, có pho như đang phân bua thì thầm trò chuyện cùng ai, pho thì giương mắt mày nhíu xệch, pho lại có vẻ mặt trầm tư khắc khổ. Năm 1960, Nhà thơ Huy Cận đến thăm chùa đã viêt nên những câu thơ miêu tả sống động các vị La Hán chùa Tây Phương:
“Mỗi người một vẻ, mặt con người
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.
Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau…”
Với giá trị kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc, các pho tượng là kiệt tác của các nghệ nhân điêu khắc đương thời. Qua bàn tay tài hoa của người thợ xưa, các pho tượng được truyền thần sống động như đang hiện hữu. Các nghệ nhân phải có tâm từ, lòng từ bi thì tạc các pho tượng đó mới có thần thái, nội tâm như vậy.
Hằng năm, chùa Tây Phương tổ chức lễ hỗi vào ngày 6 tháng 3 âm lịch. Đây là dịp để du khách thập phương đến lễ chùa, vừa là để tham quan những công trình nghệ thuật độc đáo của mảnh đất Hà Thành.
Với những giá trị về kiến trúc, lịch sử, tôn giáo, năm 1962, chùa Tây Phương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia; năm 2014 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18 đã được Thủ tướng Chính Phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Bài, ảnh: KIM GIANG