Bây giờ ngồi xe ô tô điều hòa mát rượi, từ trung tâm phố cổ vừa đi vừa ngắm cảnh lúa chín vàng thoáng chốc đã đến núi Sài Sơn, nơi cách đây gần 1.000 năm, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã xây một thảo am nhỏ (Hương Hải am). Qua trùng điệp thời gian, từ một thảo am nhỏ, chùa Thầy được bao thế hệ xây dựng, gìn giữ và bảo tồn cho đến ngày nay, ngẫm ra quả là điều vô cùng trân quý. Có trò chuyện với những người dân ở làng Hoàng Xá, xã Phượng Cách, mới thấy họ tự hào về ngôi chùa ở núi Sài Sơn này. Người trong vùng không ai bảo ai, tự giác quét dọn các con đường dẫn lên chùa; dưới chân núi, các khu chợ, khu vui chơi, nhà nghỉ luôn được vệ sinh sạch sẽ, tất cả vì một mục tiêu giữ cho phong cảnh xung quanh chùa Thầy không “vướng bụi trần”.
Chỉ một góc chùa Thầy đã rạng vẻ xuân tươi. Ảnh: VIỆT LAM
Theo các cụ đức cao vọng trọng ở trong làng, chùa Thầy được xây dựng trên thế đất hình con rồng, quay mặt về hướng Nam, trải dài theo triền núi. Chùa Thầy được dựng ở núi Sài Sơn quanh co, uốn lượn như đuôi rồng, phía trước là hồ Long Trì (ao rồng). Chùa nằm trên khu đất hàm rồng, sân cỏ trước là hàm trên của rồng, bờ hồ bên trái là hàm dưới, miệng rồng há ra đón “ngọc” là Thủy Đình. Hai cầu Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều là răng nanh của rồng; hai bên có giếng tượng trưng cho mắt rồng; hai cây gạo thần thế đỏ rực hoa trước chùa là râu rồng (tiếc là đã chết mất một cây). Rồi ba lớp chùa Hạ, Trung, Thượng là đầu rồng; hành lang hai bên chùa có gác chuông, gác trống là tai rồng. Nghe các cụ tán chuyện như vậy trong bữa ăn, chúng tôi vừa gật gù vừa có phần lo lắng, vì lúc trước đã dựa vào “râu rồng” thi nhau chụp ảnh. Lục lại những hình ảnh vừa lưu giữ trong trí óc, quả thật Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều đẹp quá! Chỉ cần ngắm nhìn hay ngồi hóng mát ở hai cây cầu-“nanh rồng” này, đã thấy trong người dễ chịu rất nhiều dưới cái nóng oi bức ngày hè.
Một số người cứ tiếc vì không về chùa Thầy vào dịp lễ hội (ngày mồng 5 đến 7-3 Âm lịch) nhưng chúng tôi cho rằng, đi chùa vào ngày thường cũng có cái hay của nó. Tu tại tâm. Dừng chân nơi cửa Phật thấy tâm tĩnh, lòng thanh thản, vãn cảnh chùa thấy đẹp, cảm nhận được thiên nhiên hoan ca, thiết nghĩ ngày nào cũng là hội.
Leo núi một đoạn, cảm nhận tòa chính của chùa Thầy được xây trên nền đất rất cao, điện Phật (chùa Trung) cao 1,76m. Cao nhất là điện Thánh (chùa Thượng) cao 2,2m. Phía trước chùa là một sân rộng nhìn ra hồ Long Trì. Chợt giật mình thấy xưa kia không biết cao nhân nào đặt nhà Thủy Tạ ở vị trí đắc địa đến thế. Giữa hồ nước xanh Long Trì là nhà Thủy Tạ kiểu phương đình, với hai tầng tám mái chồng diêm xòe ra bốn phía tựa đóa sen mọc lên từ “ao rồng”. Chao ôi, cái cảm giác lạnh sống lưng vì người xưa sao khéo khéo là, đã đặt chùa Thầy vào vị trí đắc địa về phong thủy mà cũng thật khéo hài hòa giữa thiên-địa-nhân. Chẳng thế mà trong bài ký ghi trên vách núi, Chúa Trịnh Căn đã phác họa cảnh chùa Thầy “Như viên ngọc nổi lên giữa đám sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa. Động trên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn in mây ráng. Ao rồng thông sang bến siêu độ, cầu tiên Nhật Nguyệt đôi vầng. Hình tựa bình phong, sông như dải lụa".
MINH MINH