Ở đó, sân bóng đá cỏ tự nhiên là nơi chứng kiến nhiều lứa cầu thủ trẻ nam từ U.11 đến U.17 (hiện tại chỉ còn lứa U.11, U.13, U.15) của bộ môn tập luyện, trưởng thành. Nhiều lớp cầu thủ thành danh từ đây đến nỗi chính các HLV ở đây cũng không thể kể hết. Chỉ cần nêu vài cái tên nổi tiếng như: Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Thành Chung, Đức Huy và xa hơn một chút là lứa Hùng Dũng, Huy Hùng. Rồi cũng có thể kể thêm đến những Phí Minh Long, Đào Duy Khánh, Nguyễn Quốc Long… thì đủ biết lò “Hoàng Anh Gia Lâm” này oách đến cỡ nào.
    |
 |
Sân cỏ này từng nơi các tuyển thủ quốc gia Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Thành Chung, Hùng Dũng, Huy Hùng… ăn tập ở lò “Hoàng Anh Gia Lâm”. Ảnh: QUỲNH VÕ. |
17 năm nay, mặt sân ấy vẫn là nơi để các lứa trẻ của Bộ môn Bóng đá (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) nuôi ước mơ, để đến khi tốt nghiệp lứa U.15 sẽ được chuyển giao cho Hà Nội FC, như cách mà lứa Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Thành Chung, Đức Huy… đã được chuyển miễn phí cho Hà Nội T&T (sau này là Hà Nội FC). Đối với những người gắn bó với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Gia Lâm, để có được mặt cỏ ấy là cả một công cuộc chớp cơ hội khó gặp khó tìm. Năm 2003, sân Hàng Đẫy được thay mặt cỏ để chuẩn bị cho SEA Games 22. Mặt cỏ sân Hàng Đẫy khi ấy dù xuống cấp nhưng vẫn là trong mơ với nhiều sân bóng cấp huyện ở Hà Nội. Biết được ý định thay mặt cỏ sân Hàng Đẫy, lãnh đạo Trung tâm TDTT Gia Lâm (nay là Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Gia Lâm) đã tới Sở TDTT (nay là Sở Văn hóa-Thể thao) Hà Nội xin Giám đốc Hoàng Vĩnh Giang được chuyển toàn bộ mặt cỏ về sân bóng của trung tâm, nơi có một đội trẻ của bóng đá Hà Nội đang tập luyện. Khi Sở TDTT Hà Nội đồng ý, chỉ trong hai ngày một đêm, toàn bộ mặt cỏ sân Hàng Đẫy được chuyển về Gia Lâm và đến giờ vẫn là mặt sân để các lứa trẻ của Bộ môn Bóng đá Hà Nội tập luyện. Mặt sân không đẹp như nhiều mặt sân ở các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của các đội chuyên nghiệp, thậm chí còn hơi úi xùi nhưng như nhiều người vẫn hay đùa thì “sân khá xấu nhưng có lẽ lại là đất hợp với đào tạo trẻ nên tạo nên không ít “dị nhân” trong làng bóng đá Việt”.
Từ mặt cỏ này, đã ra đời bao hảo thủ đang khoác áo Hà Nội FC và các đội tuyển Việt Nam. Khi các học viên của lò Hoàng Anh Gia Lai, PVF nổi như cồn với chế độ ăn tập chuyên nghiệp, thầy giáo ngoại quốc thì lò “Hoàng Anh Gia Lâm” vẫn luôn là “cây nhà lá vườn”. Và cũng buồn ở chỗ, dù cung cấp cho Hà Nội FC cả tá hảo thủ nhưng vài năm qua, thi thoảng lò “Hoàng Anh Gia Lâm” lại bị dọa giải tán. Đó cũng là nỗi đau, sự buồn tủi của thầy trò nơi đây. Nhưng không than vãn số phận, không ai oán, ngày ngày, thầy trò của Bộ môn Bóng đá (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) vẫn ra sân tập luyện như thường. Mỗi khi có ai nhắc đến chuyện về “Hoàng Anh Gia Lâm”, chuyện anh Quang Hải, Hùng Dũng, Thành Chung thi đấu tưng bừng giành HCV ở SEA Games 2019... thầy lẫn trò đều cười vui đầy tự hào.
Và cũng bởi "hẻo" kinh phí bao năm qua, chỉ có thể gom quân từ các huyện ngoại thành và tỉnh lân cận; rồi đa phần do gia đình nghèo ở quê gửi con lên tập để nhờ các thầy trông luôn, nhiều nhà trong số đó đến từ Đông Anh, thế nên thầy trò gọi luôn các đội bóng trẻ ở đây đến từ “miền Đông… nước Anh” cho nó sang, nhưng quả thật cũng vui đáo để.
MINH NHẬT