Cô giáo Lê Thị Hồng Huê sinh năm 1981. Năm 2003, tốt nghiệp trường sư phạm, cô được phân công, công tác về Trường Tiểu học Vật Lại, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Sau 3 năm giảng dạy, cô được giao thêm nhiệm vụ làm Tổng phụ trách đội. Bén duyên với công tác đội rất tình cờ, nhưng tình yêu với công việc đã giúp cô Huê có nhiều sáng kiến trong tổ chức hoạt động. Nhờ những sáng tạo đó, công tác đội của trường trở nên hấp dẫn, sôi động hơn.

leftcenterrightdel
Cô giáo Lê Thị Hồng Huê cùng em học sinh Trường Tiểu học Vật Lại, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Hằng năm, các phong trào, sân chơi sáng tạo do cô Huê kết hợp cùng giáo viên chủ nhiệm, đoàn viên giáo viên tổ chức thu hút đông đảo đội viên, thiếu niên, nhi đồng tham gia, giúp các em phát huy tính tích cực trong học tập và sinh hoạt. Nổi bật như các phong trào: “Thiếu nhi Thủ đô làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”, “Giúp bạn vượt khó”, “Làm kế hoạch nhỏ”… Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, cô Huê cùng các em học sinh Trường Tiểu học Vật Lại đã thực hiện mô hình “Vườn rau em chăm”. Vườn rau do tự tay cô Huê và các em trồng, chăm sóc để lấy rau sạch cung cấp cho bếp ăn bán trú của nhà trường và gia đình các em; đồng thời tạo nguồn thu làm quỹ tổ chức các hoạt động đội và giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong liên đội. 

Ngoài giờ lên lớp, cô Huê còn tổ chức các hoạt động để rèn luyện kỹ năng sống cho đội viên, thiếu niên, nhi đồng như: Hội thi “Tuyên truyền an toàn giao thông”; “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”; “Rung chuông vàng”; “Sinh hoạt Sao nhi đồng”; ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên đoàn”...

Ngoài ra, cô Huê còn chú trọng tổ chức các chương trình từ thiện, hỗ trợ người nghèo, người có công cách mạng. Hàng năm, cô Huê và Ban giám hiệu cùng các em đội viên đến nhà các Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn xã để thăm hỏi, động viên, trao quà của Liên đội. Đối với cô, đó là cách giáo dục nhẹ nhàng nhưng giúp các em biết san sẻ, yêu thương với những người cả đời cống hiến cho đất nước.

leftcenterrightdel
Cô giáo Lê Thị Hồng Huê cùng các em học sinh vẽ tranh bảo vệ trẻ em.

Từ nhiều hoạt động thiết thực bổ ích đó, các em thiếu nhi của liên đội đều cảm nhận được mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Liên đội nhiều năm liên tục đạt và giữ vững danh hiệu Liên đội xuất sắc cấp thành phố. Bản thân cô Lê Thị Hồng Huê đã nhiều năm được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác đội và phong trào thanh thiếu nhi. Vừa qua, cô vinh dự là một trong 63 thầy cô giáo tiêu biểu trên cả nước được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.

Để có được những kết quả đó là sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ của cô giáo Lê Thị Hồng Huê. Nhớ lại những ngày đầu mới “vào nghề”, cô Huê chia sẻ, với một nhiệm vụ chưa được đào tạo, kinh nghiệm trong công tác và giảng dạy còn chưa nhiều nên thời gian đầu, tôi gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, Vật Lại là một xã nghèo, thuần nông của huyện Ba Vì. Hơn 10 năm trước, số hộ nghèo và cận nghèo của xã Vật Lại rất cao, đứng vào tốp đầu của huyện. Ở Vật Lại, nhà người dân quá xa các điểm trường, nên việc đi lại, học tập, sinh hoạt, giảng dạy của thiếu nhi và giáo viên rất khó khăn, nhất là mùa mưa lũ. Hơn thế nữa, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy, hoạt động đội còn rất thiếu thốn. “Hồi đó đi dạy, thương học sinh lắm, đường sá thì lầy lội vào mùa mưa (nhất là những ngày mưa bão kéo dài) khi đến trường, học sinh và giáo viên có đoạn phải “dẫn bộ, xách dép lội nước” mới đi được. Sau mỗi buổi học, các em thường phụ mẹ ra đồng làm cỏ, chăn bò, mò cua bắt ốc. Nhiều em có hoàn cảnh rất khó khăn, em thì thiếu bố, thiếu mẹ, em thì bố mẹ đi làm ăn xa ở nhà với ông bà già yếu…”, cô giáo Huê chia sẻ.

leftcenterrightdel
Mô hình “Vườn rau em chăm” do các em học sinh cùng cô Huê chăm sóc.

Nhưng không vì thế mà cô Huê nản lòng, tình yêu dành cho các em học sinh đã giúp cô không ngại khó, ngại khổ, cô tranh thủ mọi thời gian, giờ trưa, cuối buổi chiều, rồi tranh thủ giờ giải lao không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp; tham gia các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức; tham khảo các loại tài liệu, sách báo để nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình.

“Để thực hiện tốt vai trò của mình thì bản thân luôn có sự đam mê, say sưa với công việc và đặc biệt phải dành tình yêu lớn đối với học sinh. Không giống công tác chuyên môn, làm giáo viên Tổng phụ trách đội đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Mình phải hiểu được học sinh, tâm lý lứa tuổi, những mong muốn, nguyện vọng của các em, từ đó mới có thể lên được kế hoạch tổ chức các hoạt động phù hợp. Mong muốn lớn nhất của tôi là làm thế nào để đưa Liên đội ngày càng lớn mạnh đi lên, đặc biệt là qua các hoạt động đội giúp các em thiếu nhi được rèn luyện kỹ năng và trưởng thành hơn, sẽ có nhiều lớp đội viên, thiếu niên, nhi đồng luôn chăm ngoan, học giỏi, người đội viên tốt, xứng đáng với danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ - Chủ nhân Thăng Long”, cô Huê mong muốn.

Chia sẻ về cô Tổng phụ trách đội Lê Thị Hồng Huê, cô giáo Phùng Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vật Lại cho biết: "Cô Huê là một giáo viên nhiệt huyết và yêu nghề. Nhiều năm gắn bó với trường, cô đã có nhiều phương pháp, mô hình sáng tạo để phát triển các phong trào đội, mang lại hiệu quả cao trong giáo dục”.

DIỆU THÚY