Hầu hết du khách khi đến với Thủ đô và tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đều muốn đặt chân đến điểm di tích này để tận mắt nhìn thấy nét kiến trúc độc đáo, cổ kính của công trình.
Trên Cột cờ Hà Nội, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Thủ đô lộng gió.
Cột cờ Hà Nội được xây dựng năm 1805, hoàn thành năm 1812 dưới thời Vua Gia Long. Cột cờ còn gọi là Kỳ đài với 2 tác dụng là treo cờ và làm đài quan sát. Chu vi Cột cờ rộng 180m, chiều cao hơn 30m. Cấu trúc Cột cờ gồm 3 phần: Chân đế, thân cột và vọng lâu. Phần chân đế có 3 tầng cao dần từ dưới lên và cũng nhỏ dần từ dưới lên, chồng lên nhau, xung quanh ốp gạch. Phần thân cột có các hoa văn trang trí hình hoa thị và hình rẻ quạt làm lỗ thông hơi, lấy ánh sáng cho thân cột. Phần vọng lâu có 8 cửa sổ nhìn ra 4 phương 8 hướng thành phố Hà Nội. Cột cờ thiết kế 105 bậc cầu thang để đi từ dưới lên trên. Lối đi lên đỉnh Cột cờ là đường hầm được xây bằng đá và gạch. Đỉnh Cột cờ thiết kế hình bát giác. Trên tầng thứ 3 có bố trí 4 cửa theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Cửa hướng Đông trên có khắc 2 chữ "Nghênh húc" (đón ánh nắng ban mai), cửa hướng Tây khắc 2 chữ "Hồi quang" (nhìn về hoàng hôn), cửa hướng Nam với 2 chữ "Hướng minh" (trông theo ánh mặt trời), riêng cửa hướng Bắc không có đề tên.
Cột cờ Hà Nội nhìn từ Hoàng thành Thăng Long khi màn đêm buông xuống.
Ở cửa hướng Bắc được bố trí hai cầu thang lên sân thượng phía bên phải và trái, mỗi cầu thang gồm 14 bậc, có tay vịn bằng sắt. Sân thượng được bao quanh bằng lan can gỗ cùng với tường hoa trổ những hình lục giác có hình vuông ở giữa, được đan lồng với nhau như hình mạng nhện. Dưới chân Cột cờ được đặt những khẩu pháo có từ thời nhà Nguyễn từ thế kỷ 19.
Nhìn từ hướng Bắc của Cột cờ có nhiều di tích cổ như Đoan Môn, Lầu Công chúa, Cửa Bắc. Hướng Đông nhìn ra Nhà Bưu điện soi bóng xuống Hồ Gươm lịch sử. Hướng Tây là Quảng trường Ba Đình, Lăng và Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hướng Nam là một không gian được mở rộng với nhiều kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội. Bố cục cân đối ấy đã tạo lên những đường nét thẳng, vững vàng cho Cột cờ Hà Nội.
Trên tầm cao của Cột cờ, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh quan Hà Nội ngày nay và tìm về với Thăng Long xưa. Điều đặc biệt là trong những ngày nóng nhất của Hà Nội, nhiệt độ bên trong của Cột cờ luôn mát mẻ.
Dưới triều nhà Nguyễn, trong các dịp lễ Tết, cờ vàng của triều đình thường được treo trên đỉnh cột. Cột cờ còn là nơi vua quan xem duyệt quân ngũ, đấu võ.
Tại đây vào năm 1873 đã diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ kỳ đài giữa lính triều đình và binh lính Pháp và lần thứ 2 là vào năm 1882, Pháp đã chiếm được nơi này và lợi dụng chiều cao của Cột cờ dùng làm nơi đóng quân của một trại lính thông tin. Cho đến năm 1954, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng, lễ thượng cờ Tổ quốc trên đỉnh Cột cờ Hà Nội đã trở thành giây phút thiêng liêng đối với người dân Thủ đô. Lần đầu tiên, trên đỉnh Cột cờ uy phong ấy tung bay phấp phới lá cờ đỏ sao vàng. Từ đó đến nay, Cột cờ thường xuyên được treo Quốc kỳ.
Tác giả Xuân Tửu đã có những vần thơ rất hay và cảm động về Cột cờ Hà Nội:
Ai đã đến Hà Nội
Đi trên đường Điện Biên
Hẳn nhìn thấy vút lên
Cột cờ cao vòi vọi
Lá cờ màu đỏ chói
Trên cột thép hiên ngang
Lấp lánh ngôi sao vàng
Trên nền trời lịch sử
Nhìn cờ thấy Tổ quốc
Nhìn cờ thấy nhân dân
Dưới bóng cờ ta bước
Khắp nơi xa nơi gần
Ngôi sao vàng chỉ lối
Nền đỏ màu thắm tươi.
Cho đến nay, mỗi khi đi qua Cột cờ Hà Nội, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay lồng lộng trên nền trời của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến đã trở nên rất đỗi thân thương trong lòng du khách.
Ngày 20-1-1989, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra quyết định công nhận Cột cờ Hà Nội là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Do nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, nên khi đến thăm Cột cờ, du khách còn có cơ hội tham quan Bảo tàng. Đây là một trong những bảo tàng quốc gia quy mô hàng đầu trong hệ thống bảo tàng quân đội.
Cột cờ Hà Nội "sát cánh" bên chiếc máy bay Mig 21 số hiệu 4324 từng bắn rơi 14 chiếc máy bay của Mỹ.
Trải qua gần 200 năm lịch sử, vượt qua mọi khắc nghiệt của thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc, Cột cờ Hà Nội vẫn đứng sừng sững mang lá cờ Tổ quốc, biểu trưng cho ý chí độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam. Cột cờ Hà Nội chính là một “nhân chứng lịch sử”, một biểu tượng vinh quang và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Cột cờ Hà Nội không chỉ là một biểu tượng hùng thiêng của Hà Nội, mà còn là điểm du lịch không thể bỏ qua trong hành trình khám phá lịch sử đất Hà Thành.
Hà Nội nay đã có nhiều công trình cao hơn Cột cờ, nhưng hình ảnh Cột cờ Hà Nội, biểu tượng hùng thiêng đất Thăng Long vẫn còn mãi trong lòng người dân Việt Nam, nhìn thấy Cột cờ cũng chính là nhìn thấy Tổ quốc.
Bài, ảnh: TƯỜNG VY