Cụ Nguyễn Quý Đức và con trai cả là Nguyễn Quý Ân đều đỗ Tiến sĩ, cháu nội là Nguyễn Quý Kính đỗ Hương cống (cử nhân). Ba đời nhà Nguyễn Quý đều giữ chức vụ trọng yếu trong triều đình, khi mất đều được phong làm phúc thần, được người dân làng Thiên Mỗ lập đền thờ coi là thành hoàng làng.
    |
 |
Ông Nguyễn Quý Hồng giới thiệu 3 tấm bia về tam đại vương. |
Tại Di tích lịch sử văn hóa Nhà thờ tam đại vương họ Nguyễn Quý hiện vẫn còn lưu giữ 3 tấm bia ghi công trạng của Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Quý Ân và Nguyễn Quý Kính. Ông Nguyễn Quý Hồng, cháu đời thứ 13 của cụ Nguyễn Quý Đức, hiện đang trông coi Di tích lịch sử văn hóa Nhà thờ tam đại vương họ Nguyễn Quý, cho hay: “Theo lịch sử dòng họ ghi lại, cụ Nguyễn Quý Đức sinh năm 1648. Năm 16 tuổi đã đỗ Hương cống (cử nhân), 23 tuổi vào Ban Thị nội văn chức, 29 tuổi đỗ Đình nguyên Thám hoa. Trong những năm làm quan, cụ được giao nhiều trọng trách, đặc biệt là có 10 năm liền làm Tể tướng. Cụ đã đề xuất sửa đổi chế độ quân điền; đề xuất lựa chọn người tài bổ nhiệm làm quan, hằng năm đều kiểm tra nghiêm túc, ai tốt được đề bạt, ai có sai phạm phải giáng hoặc cách chức. Cụ từng giữ chức Chánh sứ đi Trung Quốc. Với kiến thức uyên thâm và tài năng ứng phó, cụ kiên trì đòi thành công đất ở các tỉnh bị lấn chiếm”.
    |
 |
Nhà thờ Tam đại vương họ Nguyễn Quý. |
Nguyễn Quý Đức được ca tụng là người giỏi văn thơ, kiến thức uyên bác, từng giảng dạy, đào tạo nhân tài ở Quốc Tử Giám. Ông làm sớ xin trùng tu lại Quốc Tử Giám nhưng triều đình chỉ cung cấp cho 1.000 quan tiền. Nguyễn Quý Đức phải bỏ tiền nhà và hô hào các gia đình khoa bảng đóng góp thêm, phải tốn đến hàng vạn quan mới đủ. Sau hai năm vất vả sửa sang, Quốc Tử Giám khang trang hơn với nhiều hạng mục quan trọng, đặc biệt là dựng lại 21 bia tiến sĩ. Mặc dù bận công việc quốc gia đại sự trên cương vị của Tể tướng nhưng ông đã trực tiếp theo dõi tỉ mỉ mọi việc và đích thân san nhuận từng văn bia một.
Di tích lịch sử văn hóa Nhà thờ tam đại vương họ Nguyễn Quý không chỉ là khu lưu niệm mang tính chất dòng họ mà đây còn là nơi để người dân phường Đại Mỗ tìm đến để tri ân công đức 3 phúc thần vào dịp mồng một và ngày rằm hằng tháng. Người dân Đại Mỗ ngày nay vẫn lưu truyền về cách ứng xử khéo léo mà đầy tình người của Tể tướng Nguyễn Quý Đức. Theo đó, khi tuổi đã cao, cụ xin được về hưu nhưng phải dâng sớ 3 lần thì mới được nhà vua chấp thuận. Cụ được vua Lê tự tay ban cho 4 chữ "Thái sơn Bắc đẩu", hàm Thái phó Quốc lão. Khi về hưu, cụ lại ra đồng bàn luận công việc với dân làng, lấy 10 mẫu đất được triều đình ban cho đem tặng dân làng, trong đó dùng 4 mẫu để mở chợ Thánh Nguyên, tức chợ Mỗ ngày nay. Sự việc đã diễn ra cách đây hàng trăm năm, nhưng danh thơm Nguyễn Quý Đức vẫn được lưu truyền cho tới ngày nay.
Bài và ảnh: SA ĐIỀN