leftcenterrightdel
Cảnh đẹp dưới chân đền Thượng. 
Theo truyền thuyết và ngọc phả có liên quan, đền Thượng, hay còn gọi là chính cung Thần Điện, có từ thời An Dương Vương. Được xây cất lại từ năm 1993, theo thời gian, ngôi đền cổ không còn nguyên vẹn. Đến năm 2010, thành phố Hà Nội đã cho tu sửa lại khá hoàn chỉnh. Dù quy mô đền không đồ sộ, diện tích nhỏ nhưng du khách đến tham quan và lễ bái lại ấn tượng với kiến trúc hình chữ Nhất ba gian, phần mái được lợp bằng ngói mũi hài với đầu đao cong vút, nửa mái sau dựa vào vách đá bên cạnh tạo sự kiên cố, vững chãi ở độ cao 1.227m.

Để có thể lên tới đền Thượng, du khách phải di chuyển 12km tính từ chân núi, qua nhiều khúc cua dốc ngoằn ngoèo. Càng lên cao (nhất là vào buổi chiều), sương khói bao phủ càng nhiều khiến cho tầm nhìn bị hạn chế, xung quanh lại là vực sâu hiểm trở nên du khách phải di chuyển thật chậm cho tới khi chắc chắn rằng đã có mặt tại cổng đền. Việc tiếp theo là leo hơn 500 bậc núi đá vừa cao vừa dốc. Tưởng như chuyện đơn giản nhưng chỉ bước được hơn trăm bậc, du khách ai nấy đều thấy chùn chân, mỏi gối. Duy có mấy em nhỏ là cứ leo "phăm phăm", khiến bố mẹ đuổi theo không kịp. Tôi ấn tượng với hình ảnh người đàn ông mặt đỏ tía, người nhễ nhại mồ hôi, giọng miền Nam nói vọng xuống: “Có tâm thì cao mấy cũng trèo, em nghen”, khiến cho cả đoàn dù đang mệt mỏi cũng quyết phải leo lên đỉnh núi Tản, đền Thượng mới chịu dừng chân.

Cảnh vật trên đỉnh núi quả không phụ lòng người, mây khói bao quanh đỉnh đền Thượng khiến cho con người như hòa vào cõi tiên. Xung quanh đền, những cây cổ thụ nhuốm màu rêu phong càng tạo sự huyền bí, linh thiêng và thâm sâu cho đền. Hướng tầm mắt ra xa, du khách có thể cảm nhận thiên nhiên với chút lạnh của gió trời, chút ẩm ướt từ hơi sương, chút lơ lửng từ độ cao trên nghìn mét. Dù có ý định lên thăm thú hay lễ bái thì khi lên tới đỉnh núi Tản, ai cũng giữ cho lòng mình sự thanh thản, thành tâm. Dù muốn nán lại nơi cảnh tiên thêm chút nữa nhưng đã ráng chiều, đường xuống núi nguy hiểm nên mọi người chắp tay cúi lạy Đức thánh Tản, ra về trong màn sương mù của núi rừng mà lòng như vẫn còn lưu luyến chốn “thánh hiển muôn đời rạng núi sông”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG THẢO