Ngôi đình cổ nằm giữa một vùng cư dân quần tụ đông đúc. Trước khoảng sân rộng, ngũ môn hiện ra uy nghi sừng sững với nghê chầu, phượng múa, mặt nguyệt vằng vặc giữa trời. Bước qua cánh cổng gỗ, mùi mộc hương thoảng bay khiến không gian thêm phần thanh tịnh. Đi trên chiếc cầu xây dẫn vào sân tiền tế, tòa đại đình 5 gian 2 dĩ hiển hiện trước mặt. Bậc đá, thềm rồng, cánh cửa bức bàn, chấn song con tiện, mái ngói nâu trầm càng tăng thêm vẻ cổ kính.

Trong tiếng chuông ngân, chúng tôi thắp nén hương trầm dâng lên ban thờ Đức Thánh. Đình Hà Hồi thờ Thành hoàng là Đức thượng đẳng tối linh thần Cao Sơn Đại vương. Ngoài cung thờ chính, đình có nhiều ban thờ ở hai bên. Thấy khác lạ so với các ngôi đình truyền thống, chúng tôi hỏi cụ thủ từ Nguyễn Văn Hội thì được biết, đình phối thờ nhiều ban xuất phát từ tâm nguyện của nhân dân. Bên phải là ban thờ thần Nông với mong muốn phù hộ cho dân thôn bản quán cấy trồng tốt tươi. Bên trái, thờ cụ bà Hậu là người quyên góp dựng xây nên ngôi đình từ thế kỷ 16 (1578). Bốn ban thờ hai bên hành lang là nơi dâng hương của 9 giáp trong làng. Xưa kia mỗi khi có hội, 6 giáp lương và 3 giáp giáo (theo đạo Thiên Chúa) cùng mang lễ tế thánh. Sở dĩ có giáp giáo, giáp lương là vì khi Pháp sang xâm lược đã cho xây dựng ở Hà Hồi nhà thờ Công giáo rồi bắt người dân theo đạo. Trước sức ép trên, mỗi họ phải cử con em mình đi theo Công giáo. Do vậy, dù ở bên lương hay bên giáo thì vẫn là người một họ. Thế nên trong đình có các ban thờ để các dòng họ mang lễ dâng thánh. Ngày hội làng, cả người dân lương và giáo cùng chung vui nhằm tăng cường mối đoàn kết dòng tộc, xóm làng.

leftcenterrightdel
       Di tích lịch sử đình Hà Hồi.

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, đình Hà Hồi không chỉ mang yếu tố tâm linh mà còn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử gắn liền với sự kiện trọng đại vào mùa Xuân Kỷ Dậu 1789. Hà Hồi xưa có tên là Hạ Hồi, thuộc huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam. Trong chiến dịch đại phá quân Thanh, đúng đêm Mồng Ba Tết, đoàn quân thần tốc của vua Quang Trung đã bí mật bao vây đồn Hạ Hồi, chỉ trong chốc lát đã diệt gọn đồn, giết tướng giặc, thu được nhiều vũ khí, lương thực. Cũng theo các cụ cao niên kể lại, khi công phá xong đồn Hạ Hồi, quân Tây Sơn lưu trú ở trong đình, làm lễ yết bái Cao Sơn Đại vương cầu thần phù trợ để giành thắng lợi. Sau đó, đạo quân chủ lực của Quang Trung tiến đánh đồn Ngọc Hồi, mở đường tiến thẳng vào thành Thăng Long ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789. Hạ Hồi đã đi vào lịch sử gắn liền với thắng lợi của vua Quang Trung trên đất Thăng Long.

Trong ngôi đình cổ hơn 500 năm tuổi, nghe câu chuyện xưa, chúng tôi thêm tự hào về các bậc tiền nhân đã góp sức gìn giữ non sông gấm vóc. Những binh khí cổ được trọng thờ trong đình như nhắc nhở cháu con về một thời hào hùng trong lịch sử dân tộc. Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng ban quản lý di tích đình Hà Hồi cho biết: “Với những giá trị độc đáo về mặt lịch sử, kiến trúc, tâm linh, đình Hà Hồi đã được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1985. Hiện nay, đình được nhân dân bảo tồn nguyên trạng, là nơi diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, lễ hội đặc sắc vào mỗi dịp Tết đến, xuân về”.

Bài và ảnh: THƯ NGỌC