Làng Ô Cách (nay thuộc phường Việt Hưng-quận Long Biên-TP Hà Nội). Cư dân nơi đây chuyên làm dây chuỗi, vì thế mà làng có tên nôm là Quán Chuỗi. Về sau, khi văn bản hành chính hóa, làng lấy tên là Ô Cách.
Theo các bậc cao niên trong làng, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, sản phẩm dây đay của làng Ô Cách không những đã phục vụ nhu cầu cho sản xuất ở địa phương, mà đã có mặt trên các chiến trường. Những dây thừng to, có đường kính 50mm được sản xuất hàng loạt tại Ô Cách được chở ra chiến trường để kéo xe, kéo pháo, kéo tàu thuyền, làm dây tời cho những đoàn quân vượt đèo vượt thác, và chuyển tải hậu cần qua sông qua suối. Ngày nay với tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa, sản phẩm dây đay của làng Ô Cách đã không còn đắt khách như trước. Trong những di tích lưu giữ lại truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng của làng Ô Cách thì phải kể tới đình Ô Cách.
Đình Ô Cách thờ Thành Hoàng Cao Sơn Đại Vương. Tương truyền đời Hùng vương thứ 18, tướng quân Cao Sơn - Tiết Chế Thủy Đạo một lần đi đánh trận qua khúc sông Hồng, đoạn gần bến Bồ Đề đã vào trang Quán Chuỗi đóng quân. Có 40 đinh tráng trong vùng xin nhập trại, thể hiện rõ lòng yêu nước. Tướng quân ở Quán Chuỗi một thời gian rồi cùng đoàn thuyền chiến xuống Cửa Luộc đi đánh trận tiếp. Tướng quân Cao Sơn rất dũng cảm lập nhiều công lớn. Dẹp xong giặc đất nước thanh bình, tướng quân cùng 7 đồng tử lên đỉnh núi Tung (cạnh núi Tản Viên) du ngoạn rồi Ngài hóa theo mây trắng cuốn lên trời. Hôm đó là ngày 10-2 Âm lịch. Biết tin Ngài hóa, nhân dân Quán Chuỗi lập Miếu thờ để nhớ ơn đức Cao Sơn (gọi là Miếu Quán Chuỗi).
Qua những bước thăng trầm của lịch sử, đình Ô Cách đã được nhiều lần trùng tu và gần nhất vào năm 2003. Vào ngày 10-2 Âm lịch hằng năm, đình Ô Cách tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ đến công lao của Thành Hoàng Cao Sơn Đại Vương và giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu hướng về nguồn cội, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà an khang thịnh vượng. Lễ hội cũng là nơi vui chơi, giải trí của toàn dân, nơi sum họp của con cháu, dòng tộc, nơi những con người đi xa hướng về nguồn cội.
    |
 |
Một số hạng mục của Đình Ô Cách mới được trùng tu. |
Theo ông Phạm Đức Hữu (người dân làng Ô Cách) cho biết: Phần lễ của lễ hội đình Ô Cách diễn ra trang nghiêm gồm lễ rước kiệu thánh và lễ dâng hương. Kiệu được đặt tại sân đình, sau đó đại diện những người cao tuổi trong thôn do một người làm chủ tế tổ chức tế lễ thánh, dâng hương. Phần hội còn có rất nhiều những trò chơi dân gian như mở chiếu chèo, cờ người, các tiết mục múa hát quan họ… thu hút đông đảo bà con tham gia. Có thể nói, đây là một trong số những lễ hội đình làng đặc sắc, mang đậm giá trị văn hóa làng xóm của người dân Việt Nam cần được bảo tồn và phát huy.
Bài và ảnh: VIỆT HƯNG