Bà chúa Liễu Hạnh được nhiều triều đại phong kiến phong là “Đệ nhất Thượng đẳng thần”, là “Mẫu nghi thiên hạ”-một trong “Tứ bất tử” trong thần điện của người Việt.
Theo thần phả, Công chúa Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng, vì đánh vỡ chén ngọc nên bị giáng xuống trần, mang tên là Giáng Tiên, hết hạn đầy xuống nhân gian lại trở về trời. Vì còn lưu luyến trần gian nên công chúa mang theo hai tiên nữ là Quỳnh Hoa và Quế Hoa trú ngụ ở phố Cát (Thanh Hóa) giúp đỡ dân lành.
Theo nhiều biến thiên của thời cuộc, đền Bà Kiệu bị tách kiến trúc làm hai phần: Tam quan ở sát Hồ Gươm, còn ở đối diện bên này đường (đường Đinh Tiên Hoàng) là khu thờ tự chính. Tam quan gồm ba gian xây gạch, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Khu kiến trúc chính có kết cấu hình chữ “Công”, gồm: Nhà tiền tế, phương đình và hậu cung. Bên trong là bộ di vật văn hóa-lịch sử gồm: Bia đá, chuông đồng, hệ thống 27 sắc phong thần thuộc các triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Hàng cột đá trong kiến trúc cùng với hai cây đa lớn sát hai bên đền càng làm tăng thêm sự cổ kính, vẻ đẹp độc đáo của đền.
Trong cụm di tích phố cổ, đền thờ Mẫu Liễu Hạnh được xem là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài giá trị về văn hóa, lịch sử, đền Bà Kiệu còn là nơi thờ phụng, biểu hiện lòng thành trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam. Vào những ngày thường, chủ yếu là khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu nhưng đặc biệt vào những ngày rằm, mồng một hay lễ, Tết, rất đông người đến lễ bái tỏ lòng biết ơn Mẫu, cầu nguyện những điều tốt lành cho gia đình, người thân. Đó không chỉ là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh có bề dày hàng ngàn năm lịch sử, mà còn thể hiện cốt cách, bản chất tốt đẹp của người dân Việt.
Bài và ảnh: THÀNH NAM