Ông Nguyễn Hữu Quyền, Ủy viên Thường trực Ban Quản lý di tích đình, chùa Bia Bà, cho biết: “Hoàng phi Trần Thị Hiền sinh năm 1511, là ái nữ của Đô lực sĩ Thiết Sơn bá Trần Chân, thuộc gia đình thế phiệt nhiều đời làm quan trong triều. Bia Bà là tấm bia ghi lại sự tích về bà được dựng lên tại cánh đồng Đa Bang (còn gọi là cánh đồng Hoàng Hậu, xã La Khê)”.

Theo văn bia, Thánh bà là người con gái xinh đẹp, thông minh lại thùy mị, nết na và có tấm lòng thương yêu, giúp đỡ người nghèo khó. Ngày ấy, La Khê là vùng quê có nghề dệt truyền thống nổi tiếng. Tương truyền, có 10 vị thánh sư khi đi ngang vùng đất trù phú, cảm mến tấm lòng hiếu khách, đức độ của người dân nơi đây đã truyền dạy cho dân nghề trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Từ đấy, La Khê trở thành một trong những cái nôi của nghề dệt và đời sống nhân dân nhờ vậy cũng sung túc. Sinh ra trên miền quê đất dệt, Trần Thị Hiền rất tinh thông nghề và tận tình hướng dẫn cho người dân cách làm ăn, mở mang nghề dệt. 

leftcenterrightdel
 Điện thờ Đức thánh bà Trần Thị Hiền nằm trong khuôn viên đình La Khê.

Năm 1527, với tư chất thông minh, nết na, thùy mị và có nhan sắc hơn người, bà được chọn làm phi tử của Thái tử Mạc Đăng Doanh. Khi Thái tử lên ngôi năm 1530, bà được phong làm Đệ nhị cung, hết lòng phò vua giúp nước. Trời phò giúp thánh quân/ Hiền phi sẵn tài đức... Đoan trang và hiền thục/ Cung kính lại kiệm cần.../ Hiếu thuận thường xiển dương/ Hòa khí đầy trời đất... (trích bài minh lưu giữ tại Bia Bà).

Tài hoa nhưng đoản mệnh, Hoàng phi Trần Thị Hiền mất khi mới 27 tuổi. Cảm thương người vợ hiền, vua Mạc Thái Tông cho chôn cất bà tại quê La Khê, ban cho làng 300 mẫu đất để thu hoạch, ăn lộc thờ cúng Thiết Sơn bá Trần Chân và Đông Cung Hoàng hậu Trần Thị Hiền.

Bia ghi sự tích về bà được dựng lên tại cánh đồng Đa Bang. Thuận theo nhân tâm, nguyện vọng của nhân dân La Khê, năm 1982, Bia Bà được rước về và thờ cúng trong khuôn viên bên phải sân đình La Khê. Điện thờ gồm: Chính điện thờ Thánh bà, hữu điện thờ đệ nhất công chúa và tả điện thờ đệ nhị công chúa... hài hòa với tổng thể kiến trúc và cảnh quan của cụm di tích đình, chùa La Khê. Hằng năm, vào ngày 14, 15, 16 tháng Giêng, nhân dân La Khê lại tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ công lao của bà, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mọi việc thuận lợi, gia sự bình an, đồng thời khích lệ nhân dân phát huy những giá trị nhân văn từ đức tích tốt đẹp của bà để phát tâm làm việc tốt, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ gìn nghề truyền thống dệt lụa, xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp./.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ