Nhiều hoạt động hấp dẫn du khách

Tuần Văn hóa-Thương mại-Làng nghề quận Long Biên năm 2020 diễn ra từ ngày 5 đến 11-11 tại khu vực cụm Di tích đình, chùa Lệ Mật, phường Việt Hưng, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, thương mại phong phú, hấp dẫn, gồm: Hội chợ thương mại với 140 gian hàng có các sản phẩm đặc trưng của các vùng miền là sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm chế biến từ nông sản, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân; triển lãm sinh vật cảnh với quy mô 1,5ha hội tụ hơn 1.000 cây của nhiều nghệ nhân nhà vườn trên cả nước.

Thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan chính là khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của Làng nghề truyền thống nuôi rắn Lệ Mật với nhiều hiện vật độc đáo; bên cạnh đó là những màn trình diễn múa, bắt rắn hấp dẫn.

leftcenterrightdel
Biểu diễn trống hội khai mạc Tuần Văn hóa-Thương mại-Làng nghề quận Long Biên.

Các hoạt động quảng bá văn hóa truyền thống với việc trình diễn những di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) như: Múa lột xác rắn, múa Ải Lao-hai loại hình DSVHPVT quốc gia và kéo co ngồi-được UNESCO công nhận là DSVHPVT đại diện của nhân loại. Các hoạt động văn hóa thể thao thi đấu bóng chuyền hơi; biểu diễn văn nghệ câu lạc bộ các phường; thi chung kết Duyên dáng áo dài... đã thu hút sự tham gia sôi nổi của người dân trên địa bàn quận. Tham gia tuần lễ văn hóa, khán giả mãn nhãn khi được thưởng thức màn trình diễn nghệ thuật ánh sáng đặc sắc, giới thiệu toàn cảnh lịch sử ra đời, truyền thống và quá trình phát triển của Long Biên cho đến ngày nay trên nền cổng di tích đình làng Lệ Mật.

Ông Vũ Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, sau 17 năm thành lập, Long Biên đã có sự phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng thương mại dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp. Tuần Văn hóa-Thương mại-Làng nghề quận Long Biên năm 2020 được tổ chức với mục tiêu tạo điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, mua sắm cho nhân dân; đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, quận Long Biên đang phấn đấu thành điểm phát triển thương mại, dịch vụ để thu hút các nhà đầu tư cũng như du khách, bạn bè bốn phương đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trên địa bàn.

leftcenterrightdel
Trình diễn bắt rắn của các nghệ nhân làng Lệ Mật.

Khai thác, phát huy tiềm năng văn hóa, du lịch

Phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch là một chủ trương lớn của TP Hà Nội và đã có những thành công bước đầu, đang được nhiều quận, huyện triển khai. Quận Long Biên đang xây dựng và thực hiện nhiều đề án phát triển làng nghề đi đôi với phát triển du lịch. Nổi bật là Đề án phát triển làng Lệ Mật (phường Việt Hưng), với nghề truyền thống là nuôi, chế biến, kinh doanh các chế phẩm từ rắn. Theo đó, kế hoạch phát triển làng nghề gắn với ẩm thực và du lịch thông qua các công đoạn khép kín; trong đó, nhân viên các bộ phận chức năng sẽ được trang bị kiến thức để giới thiệu sản phẩm giúp du khách tìm hiểu các công đoạn chăn nuôi, chế biến, thưởng thức đặc sản; nghe giới thiệu về lịch sử hình thành làng nghề và thưởng thức những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng...

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham quan gian trưng bày, quảng bá nông sản quận Long Biên.

Theo ông Âu Xuân Kiên, Trưởng Ban quản lý di tích tích đình Trường Lâm, nghề nuôi, bắt rắn đã có ở đây từ nghìn năm và vua Lý Thái Tổ đã đặt tên làng là Lệ Mật. Làng còn lưu giữ một số tập quán, điệu múa đặc trưng, nét văn hóa gắn liền với nghề nuôi rắn, nổi bật là Lễ hội Lệ Mật. Hằng năm, người dân làng Lệ Mật mở hội từ ngày 20 đến 24-3 âm lịch để cầu được mùa màng bội thu, tri ân đối với người có công.

leftcenterrightdel
Trình diễn nghệ thuật ánh sáng trong lễ khai mạc.

Nhà khảo cổ học Bùi Thế Quân, Phòng Văn hóa-Thông tin quận Long Biên cho rằng, trên địa bàn Long Biên hiện nay còn rất nhiều di tích thờ các vị anh hùng dân tộc khác như: Linh Lang Đại Vương dọc theo tả ngạn sông Hồng từ Ngọc Thụy về đến Cự Khối; Bố Cái Đại Vương và biết bao danh nhân văn hóa khác: Trần Hưng Đạo,  Lý Thường Kiệt, Công chúa Ngọc Hân (đền Ghênh, đình Tình Quang...). Những di tích trên địa bàn cùng nhiều công trình kiến trúc thể hiện sự hưng thịnh qua các thời kỳ lịch sử. Trong mỗi di tích, mỗi nhân vật là biết bao câu chuyện, truyền thuyết... cùng các di vật cổ, phần nào phản ánh những chặng mốc quan trọng lịch sử dân tộc: Bộ Tam thế ở chùa Hội Xá (Phúc Lợi), chùa Lệ Mật; bộ sưu tập các sắc phong, thần phả ở đình Thổ Khối, Mai Phúc, đền Trấn Vũ; những bia đá với minh văn và họa tiết trang trí đặc biệt ở chùa Lệ Mật, quả chuông đồng thời Lê (1690) và thời Tây Sơn còn nguyên minh văn, không hề có vết tích đục đẽo... Đặc biệt, pho tượng đồng Trấn Vũ (đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn) là kết tinh nghệ thuật đúc đồng của các nghệ nhân xưa, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2016, cùng với Lễ hội Lệ Mật-DSVHPVT quốc gia được công nhận năm 2014 và Lễ hội đình Trường Lâm được công nhận là DSVHPVT quốc gia cuối năm 2017, sẽ là nguồn động lực để tạo đà phát triển, quảng bá cho phát triển văn hóa, du lịch Long Biên.

Bài, ảnh: CHÂU XUYÊN