Phố Hàng Bạc cũng vậy, không chỉ gắn liền với nghề kim hoàn của đất Hà Thành, con phố này còn là nơi có nhiều di tích lịch sử nhất trong khu phố cổ của Hà Nội, với những ngôi đình cổ như đình Dũng Hãn, đình Thượng (đình Thượng Thị), đình Hạ (đình Kim Ngân).

Tọa lạc trên phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, đình Kim Ngân là một trong những ngôi đình cổ ở Hà Nội. Không ai biết chính xác đình Kim Ngân ra đời vào năm nào, nhưng theo giới chuyên môn, đình có từ cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16. Vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), ông Lưu Xuân Tín, người làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang (Hải Dương), là Thượng thư bộ Lại được triều đình trao trọng trách lập xưởng đúc bạc nén tại Kinh thành. Bạc nén khi ấy là một loại tiền tệ lưu hành trên thị trường. Ông về Châu Khê mang người làng lên phường Đông Các lập xưởng đúc bạc. Người Châu Khê lên Thăng Long làm nghề đúc bạc ngày càng đông, trai đinh 5 giáp ở làng quê đều có mặt ở phường Đông Các quê mới. Từ nghề đúc bạn nén, tiến tới nghề làm đồ trang sức bằng vàng, bạc, xưa gọi là nghề kim hoàn.

leftcenterrightdel
Một góc trong đình Kim Ngân.

Gắn với nghề kim hoàn độc nhất vô nhị của kinh thành Thăng Long nhưng đình Kim Ngân lại đặc biệt ở chỗ: Nơi đây không thờ ông tổ nghề bạc Lưu Xuân Tín, người đã mang đặc ân nghề nghiệp đến cho dân làng Châu Khê mà thờ Hoàng đế Hiên Viên - một nhân vật mang tính thần thoại và được coi là “ông tổ Bách Nghệ", ông tổ sinh ra toàn nghề”.

Đình Kim Ngân, về cơ bản vẫn kế thừa và bảo lưu được kiến trúc đình làng, mang phong cách nghệ thuật truyền thống của thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX: Có nghi môn, sân, khu đình chính hình chữ Công. Ở tòa đại đình, gian chính giữa sắp đặt hệ thống các bức cửa võng theo tầng lớp, điệp trùng từ ngoài vào trong, tạo ra không gian chốn thâm cung uy nghiêm, lộng lẫy. Những đầu dư chạm lộng kiểu đầu rồng, bộ vì kèo, chồng rường được trang trí ken dầy các chủ đề: Rồng chầu mặt trời, vân mây, văn triện… Các bức cuốn thể hiện tứ linh Long – Ly – Quy – Phượng trên nền vân mây, cỏ cây hoa lá với nét chạm nổi chắc, khỏe, phóng khoáng, song vẫn phảng phất sự mềm mại, thanh thoát của dấu ấn nghệ thuật trang trí thời cuối Lê, đầu Nguyễn.

Với các giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, tồn tại phát triển của một nghề ở Hà Nội, đình cổ Kim Ngân đã được xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cuối năm 2012 và Di tích Lịch sử quốc gia vào tháng 3-2013. Ngôi đình từ lâu đã đi vào các tác phẩm thi ca, hội họa và đến nay vẫn khơi gợi niềm cảm hứng sáng tạo bất tận cho giới nghệ sĩ.

Bài, ảnh: DUY HOÀN