Thông qua mỗi tiết học, mỗi hoạt động ngoại khóa hay từng phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, các nhà trường đã cụ thể hóa, lồng ghép giáo dục nếp sống cho học sinh bằng nhiều hình thức, từ đó tạo chuyển biến tích cực trong ứng xử, giao tiếp cho học sinh.

Đa dạng phương pháp giảng dạy

“Em biết lắng nghe” là bài học mở đầu năm học mới về giáo dục nếp sống của các em học sinh lớp 3A3, Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ). Câu chuyện tình huống của cô giáo chủ nhiệm Hoàng Thị Hải Yến vừa dứt thì nhiều em học sinh đã nhanh chóng giơ tay xung phong phát biểu cách xử lý tình huống, có em mạnh dạn tự đưa ra tình huống của mình liên quan tới câu chuyện của cô kể để cả lớp cùng xử lý. Bằng cách dẫn dắt của cô, giờ học về giáo dục nếp sống cho các em học sinh lớp 3A3 diễn ra sôi nổi và ý nghĩa. Cô giáo Hoàng Hải Yến cho biết: Đây là bài học nằm trong nội dung bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô”. Nội dung dạy học bộ tài liệu này tôi sắp xếp theo từng chủ đề, bằng nhiều hình thức thể hiện khác nhau. Nếu như hôm nay là một câu chuyện thì giờ học sau có thể là một đoạn phim hay tình huống qua tranh ảnh. Mỗi tình huống đưa ra phải gần gũi, gắn bó với cuộc sống hằng ngày để tạo hứng thú và sự tích cực chủ động học tập cho học sinh.

leftcenterrightdel
Giờ học về giáo dục nếp sống của cô và trò lớp 3A3, Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ).

“Con đã biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, biết giúp đỡ bố mẹ việc nhà, bớt tính tranh giành”, đó là nhận xét về con trai của chị Nguyễn Diệu Linh, phụ huynh học sinh Nguyễn Bảo Nam, lớp 3A3. Chị Linh cho biết: “Vì là con út lại được chiều nên ở nhà con tôi rất nghịch và nhõng nhẽo. Được cô giáo rèn kỹ năng sống ở trường, tôi thấy con ngày một ngoan hơn, lễ độ hơn trong ứng xử với mọi người”.

Bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô” được Sở GD&ĐT TP Hà Nội triển khai giảng dạy trong các trường phổ thông từ năm học 2010-2011. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Chung, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái cho biết: “Với cấp tiểu học, nội dung tài liệu chủ yếu hướng dẫn hành vi cá nhân của học sinh từ mức độ đơn giản nhất. Thời lượng mỗi khối lớp sẽ có 8 bài học, được nhà trường triển khai dạy xen kẽ với giáo dục an toàn giao thông và một số nội dung khác trong tiết "Hoạt động trải nghiệm hằng tuần" từ nay cho đến hết năm học. Qua mỗi bài học, các con biết tự hào về nét văn hóa riêng của người Hà Nội, từ đó có ý thức hơn trong giao tiếp, ứng xử, bảo vệ môi trường”.

Giờ sinh hoạt lớp đầu tiên của năm học 2020-2021, em Lê Minh Hiền, học sinh lớp 10A7, Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) thuyết trình trước lớp về “một vùng văn hóa Hồ Tây”. Cùng với Minh Hiền, một số bạn trong lớp cũng thuyết trình về các địa danh, ẩm thực nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Theo Minh Hiền, những giờ học như thế này sẽ giúp các em sống có trách nhiệm với bản thân và mọi người xung quanh để trở thành một công dân tốt. Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa cho hay: “Từ nhiều năm nay, việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh được nhà trường triển khai giảng dạy theo hướng mở với các nội dung mới mẻ, gần gũi đời sống hằng ngày, vừa bảo đảm chương trình nhưng cũng không bó hẹp trong khuôn khổ bộ tài liệu. Tuy bộ tài liệu này được sử dụng cho học sinh đến lớp 11 nhưng với khối lớp 12 nhà trường vẫn chú trọng giáo dục nếp sống”.

Đề cao vai trò người thầy

Theo đánh giá của các nhà trường, sau nhiều năm triển khai giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh, các em đã tích cực, chủ động hơn trong học tập; ý thức hơn trong ứng xử, hành vi. Không chỉ tác động đến học sinh, việc nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học cho mỗi bài học còn giúp các thầy cô giáo ngày càng hoàn thiện bản thân. 

Với kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp giảng dạy nếp sống cho học sinh, cô giáo Trịnh Diệu Hằng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) kể cho chúng tôi nghe về trường hợp một học sinh đã vượt qua cú sốc về tâm lý khi tìm được niềm vui, giá trị cuộc sống qua từng bài học ở trường. Điều đó để thấy rằng, trong giáo dục nếp sống, đạo đức cho học sinh, vai trò của thầy cô giáo là rất quan trọng. Cô giáo Trịnh Diệu Hằng chia sẻ: “Đấy cũng là một trong những lý do mà nhiều năm qua, các thầy cô của trường luôn nỗ lực thổi hồn vào mỗi bài học để làm sao giáo dục nếp sống không giáo điều, không áp đặt học sinh. Nỗ lực trong đổi mới phương pháp dạy học cũng giúp mỗi giáo viên dày dạn hơn về vốn sống, từ đó tu dưỡng để trở thành nhà giáo không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có phẩm chất mẫu mực, là tấm gương cho học trò noi theo”.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hà Nội, phương hướng chung của ngành GD&ĐT Thủ đô trong năm học 2020-2021 là tăng cường kỷ cương, nền nếp trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng. Cùng với những nỗ lực của ngành giáo dục Thủ đô, của các nhà trường, TS Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, một trong số chuyên gia biên soạn nội dung bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô” cho rằng: “Việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho trẻ em cần sự tham gia của cả gia đình và xã hội để tạo môi trường tốt nhất cho trẻ hình thành nền nếp, ứng xử văn hóa như một thói quen, một nhu cầu, một nếp sống. Từ đó góp phần xây dựng những công dân hiểu biết, sống có trách nhiệm, biết chia sẻ cùng cộng đồng”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI