Chẳng vậy mà người dân nơi đây còn lưu truyền câu ca “Cỗ yến thiếu miến làng So” để chỉ mâm cỗ dù có đủ cao lương, mỹ vị nhưng sẽ không trọn vẹn nếu thiếu miến làng So.
Nghề miến làng So không biết có từ bao giờ, các cụ cao niên kể lại người làng xưa vốn trồng nhiều cây dong riềng ven bờ bãi sông Đáy. Những ngày đói kém, dân làng phải ăn củ dong để chống đói. Để dễ ăn hơn, người làng nghĩ ra cách chế biến củ dong thành sợi miến. Dần dà, trở thành làng nghề từ lúc nào không hay.
Mặc dù nhiều địa phương cũng sản xuất miến dong nhưng người làng So vẫn tự hào vì cách làm độc đáo lưu giữ được truyền thống của ông cha. Người làng nghề tiết lộ, thiên nhiên ban tặng cho vùng đất nơi đây mạch nước ngầm thấm qua những lớp đá ong trở nên tinh khiết, ngọt và trong mát. Và cũng chính nguồn nước ấy đã tạo nên độ trắng, trong và hương vị đặc trưng cho miến làng So.
    |
 |
Cơ sở sản xuất miến của ông Nguyễn Hữu Long. |
Không chỉ sử dụng nguồn nước thanh khiết, người làng nghề còn lưu giữ cách làm khô truyền thống qua việc phơi miến dưới ánh nắng và gió tự nhiên. Ở làng So, có những cánh đồng phơi miến hàng chục héc-ta nằm cách xa khu dân cư. Những phên miến trắng trong nằm phơi mình đón nắng, gió cho đến khi đạt được độ khô đúng tiêu chuẩn. Người phơi miến cũng phải tính hướng gió để đặt phên miến xuôi chiều sao cho gió thổi đều, cuộn từ dưới lên trên. Nhờ nắng, gió tự nhiên khiến phên miến khô đều. Theo người dân trong làng, cách hong miến khô tự nhiên là bí quyết giúp sợi miến được dai, giòn và bảo quản lâu hơn. Cũng chính vì vậy, dù công nghệ sấy khô đã được áp dụng tại nhiều nơi nhưng riêng miến làng So vẫn thủy chung với cách làm truyền thống.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Long có truyền thống 3 đời làm miến dong. Bên cánh đồng phơi miến rộng 1ha của gia đình, ông Long cho hay: “Thập niên 1960, gia đình tôi là một trong 3 hộ của làng làm miến thủ công. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã theo mẹ gánh miến lên chợ bán. Hình ảnh sợi miến in sâu vào tâm trí tôi từ lúc nhỏ đến khi nhập ngũ. Sau này, khi xuất ngũ trở về địa phương, tôi quyết tâm đầu tư máy móc để phát triển nghề làm miến của gia đình”. Những nỗ lực của ông Long được đền đáp xứng đáng, hiện nay, gia đình ông đã có thương hiệu sản xuất miến riêng mang tên Anh Khang. Quy mô sản xuất phát triển mạnh với hệ thống máy đốt bụng, máy ngâm, nồi hơi, băng chuyền, máy cắt hiện đại. Ngoài cánh đồng miến rộng lớn, cơ sở sản xuất của ông có 3 kho chứa, 1 khu sản xuất, 1 khu đóng gói, bảo đảm mỗi ngày sản xuất 4 tấn miến, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho từ 20 đến 30 lao động địa phương.
Ngoài hộ sản xuất của ông Long, làng So còn một số hộ có quy mô sản xuất lớn như Trí Điểm, Vương Minh, Hương Việt, Hải Thao... Nếu tính cả các cơ sở sản xuất nhỏ, làng So có 60 hộ gia đình sản xuất miến. Địa phương đã thành lập Hiệp hội làng nghề và xây dựng nhãn hiệu tập thể cam kết bảo đảm chất lượng cho sản phẩm. Ông Vương Sỹ Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: “Hiện nay, Thành phố Hà Nội đã cho thành lập cụm công nghiệp Tân Hòa có quy mô gần 13ha để công việc sản xuất tập trung, quá trình quản lý chất lượng, xử lý chất thải ổn định hơn. Các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm này tại các hội chợ trong và ngoài nước”.
Bài và ảnh: NGUYÊN ĐỨC