Xen giữa những ngôi nhà mới khang trang là những mái đình, mái đền vút cong, thâm nghiêm, cổ kính. Chiếc cổng làng hướng ra phía dòng Nhị Hà trên khắc đôi chữ “Nhật Tảo”. Theo các cụ cao niên trong làng “Nhật” là mặt trời, “Tảo” là buổi sớm. Tên làng có hàm nghĩa là nơi đón ánh mặt trời buổi sớm mai, thể hiện ước muốn của người dân mong nhận được những điều may mắn, tươi sáng, trong lành.
“Nhật Tảo là ngôi làng cổ được hình thành từ lâu, vốn là đất thực ấp xưa ven dòng sông Hồng”. Cụ Đặng Văn Đường, thủ từ đình làng tự hào khi nói về làng mình như vậy. Cụ dẫn chúng tôi đi thăm đền rồi nhẩn nha kể rằng, trên chiếc chuông đồng (đúc năm 948) lưu giữ tại đình làng có khắc bài minh nêu rõ địa danh thôn Hạ Từ Liêm, quận Giao Chỉ. Thôn Hạ Từ Liêm khi đó bao gồm vùng đất làng Nhật Tảo và làng Đông Ngạc sau này. Đến thời Trần, làng Nhật Tảo trở thành một đồn điền của nhà nước phong kiến. Về sau, Thượng tướng Trần Nguyên Trác là con thứ của vua Trần Minh Tông được phong thực ấp tại đây. Ông có công khai khẩn ruộng đất, lập thành xóm làng. Do có nhiều công lao đối với làng nên sau khi mất, dân thôn bản quán đã tôn thờ ông là thành hoàng ngợi ca đức Trần triều thượng tướng. Trải qua hơn nghìn năm tạo lập, người làng Nhật Tảo lấy nghề nông là chính yếu. Đất đai màu mỡ, nhân dân chịu khó cấy trồng, đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất nên đời sống no đủ. Người dân cũng chú trọng đến sự học. Thế nên trong làng có văn chỉ thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền.
    |
 |
Những bức tranh bích họa góp phần làm đẹp khu dân cư Nhật Tảo. |
Ngôi làng Nhật Tảo xưa giờ đã lên phố. Nhiều khu chung cư cao tầng đã mọc lên xung quanh khu vực này. Người dân không còn cấy lúa mà chuyển sang trồng đào, quất, hoa, cây cảnh. Nghề trồng cây cảnh ở đây phát triển nhờ có đất đai màu mỡ, thị trường tiêu thụ thuận lợi. Nhiều hộ gia đình đầu tư và sản xuất chuyên canh cây trồng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhiều người chuyển sang kinh doanh, buôn bán khắp nơi. Đời sống của người dân trong làng nhờ vậy cũng khấm khá hơn.
Theo nhịp bước chuyển mình của thành phố, diện mạo của làng Nhật Tảo cũng có nhiều thay đổi. Về hành chính, làng Nhật Tảo được chia tách thành 4 tổ dân phố: Nhật Tảo 1, Nhật Tảo 2, Nhật Tảo 3, Nhật Tảo 4. Tuy nhiên, các công trình văn hóa, tín ngưỡng vẫn là nơi sinh hoạt chung. Hằng năm, dịp lễ hội truyền thống vào các ngày 11, 12-2 âm lịch, nhân dân ở 4 tổ đều tụ hội về chung vui. Tìm hiểu thêm về đời sống văn hóa tinh thần, bà Ngô Thúy Hà, phụ trách Trung tâm văn hóa xã Đông Ngạc khu vực I, phấn khởi cho biết: “Các câu lạc bộ văn nghệ, bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, võ thuật, dưỡng sinh hoạt động sôi nổi tạo nên khí thế vui tươi trong khu dân cư. Tuyến đường trong từng tổ dân phố được đầu tư chỉnh trang, sơn, vẽ tranh bích họa, phân công các đoàn thể tự quản, hằng tuần tổ chức lao động vệ sinh, củng cố cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp”.
Đi dọc những con đường bê tông hóa, những tiếng nói cười chào hỏi nhau của người già con trẻ vẫn ới a như thuở làng chưa lên phố. “Hiện nay, cư dân trong khu phố ngày thêm đông đúc nhưng an ninh luôn bảo đảm. Dù cuộc sống khấm khá hơn, sinh hoạt có nhiều thay đổi nhưng nhân dân vẫn trọng tình làng nghĩa xóm, giữ gìn truyền thống đoàn kết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Các gia đình luôn giáo dục con cháu về những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, chung sức xây dựng khu phố khang trang”. Lời ông Nguyễn Văn Bẩy, Tổ trưởng Tổ dân phố Nhật Tảo 2 sang sảng khi nói với chúng tôi về nếp sống của người dân làng mình như vậy.
Bài và ảnh: THƯ NGỌC