Tọa lạc tại số nhà 86 phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức Tự, được xây dựng từ rất sớm, tương truyền vào thời Hậu Lê. Lịch sử hình thành ngôi chùa chưa có tài liệu nào khẳng định được rõ, chỉ biết rằng, theo dân gian truyền tụng thì có 2 truyền thuyết: Liên quan đến câu chuyện một vua Lý Thánh Tông đến cầu tự tại một ngôi chùa, sau đó sinh ra Thái tử Càn Đức; liên quan đến câu chuyện vua Lê Thánh Tông đã cho xây dựng chùa Hà để bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần đã cưu mang và đưa mình lên ngôi vua vào năm 1460. Tuy không khẳng định chính xác được thời điểm xây dựng chùa nhưng đây vẫn luôn được coi là địa điểm tâm linh vô cùng linh thiêng.

leftcenterrightdel
Chùa Hà – Thanh tịnh chốn cửa Phật.

“Trời xây Nam quốc/Đất mở Đoài hình/Trăng thay Dịch Vọng/Bối Hà hiển linh/Ba Vì dựng trụ/Thăng Long kinh thành/Thủ Lệ sau Trần/Nhuệ giang tiền nghênh/Phong cảnh tuyệt mỹ”

Không biết tự bao giờ, những lời thơ này đã in sâu trong tâm trí những người biết đến chùa Hà. Lời thơ như đã nói hết một cách tổng quát về ngôi chùa linh thiêng, mà phong cảnh lại hữu tình, tuyệt đẹp. Chùa Hà nhìn ra hướng Tây, tọa trên một không gian rộng rãi thoáng đãng. Bước qua cổng tam quan, dường như một thế giới khác được mở ra, bỏ lại sau cánh cửa lớp bụi trần cùng những nhọc nhằn của cuộc sống. Một vườn cây xanh mát, một hồ nước hình bán nguyệt, cây đa và sân chùa... mang đến một cảm giác thanh tịnh, bình an chốn thiền môn. Bên cạnh hồ nước là bia đá bốn mặt Thánh Đức từ bi, tấm bia này mới được phục chế lại thời gian gần đây. Ba mặt bia khắc chữ Hán theo nội dung lưu tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, mặt còn lại của bia khắc chữ quốc ngữ. Bia chùa được xây dựng năm Chính Hòa thứ 16 (1695), Tri huyện Nguyễn Đình Trạch soạn văn bia. Ở bên phải trước cửa chùa đặt 18 tấm bia hậu được tạo vào cuối thời Nguyễn ghi việc tu sửa và gửi hậu tại chùa.

Nương mình dưới bóng cây cổ thụ, chùa chính kết cấu theo kiểu chữ Đinh có Tiền đường và Thượng điện, tam bảo năm gian rộng. Tòa phật điện của chùa được bố trí theo đúng bố cục phổ biến ở miền bắc, đó là nhiều lớp. Trên cùng là ba pho Tam thế thường trụ diệu pháp thân, lớp tiếp theo là tượng Phật A Di Đà có kích thước lớn, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát. Phía dưới tượng A Di Đà là tượng A Nan Đà, và tượng Đức Ông. Đặc biệt, người ta cho rằng Đức Ông chùa Hà rất linh thiêng nên dân quanh vùng mới có câu: “Đức Ông chùa Hà, Đức Bà chùa Hương”. Bên ngoài chính điện giáp với đại bái là tượng Thích Ca sơ sinh. Ở nhà bái đường, lớp tượng nổi bật nhất là tượng Thiên Tướng Hộ pháp cao lớn mặc áo giáp vàng ngồi trên con sấu. Hai bên đầu hồi còn đặt tượng thờ 8 vị Thần Vương Hộ pháp.

leftcenterrightdel
Một góc chùa Hà.

Cũng như nhiều ngôi chùa cổ trên kinh thành Thăng Long, chùa Hà bị hư hại nhiều theo thời gian và những biến thiên của lịch sử. Cũng vì lẽ đó, chùa được trùng tu nhiều lần và có được diện mạo như ngày nay. Điều đáng quý là chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ từ thời dựng chùa. Tại chính Tam quan chùa, ngày 17-8-1945, Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội đã họp quyết định phương thức khởi nghĩa ngày 19-8-1945. Nhờ đó, chùa đã được UBND Thành phố Hà Nội trao bằng Di tích Cách mạng, đồng thời, năm 1996, chùa Hà được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Trong không gian linh thiêng của một trong những địa danh tín ngưỡng nổi tiếng trên đất kinh kỳ, quần thể di tích chùa Hà còn khiến bất cứ ai ghé thăm cảm giác như được quay ngược thời gian trở về với làng quê Bắc Bộ thuở nào, với không gian trầm mặc pha chút bình dị mà dân dã của mái nâu, của các cây ăn quả cùng các cây đa cổ thụ. Trong khoảng sân điểm xuyết những đốm nắng của di tích chùa Hà, lòng người như tĩnh lại, chỉ còn lắng đọng sự thanh tịnh trong tâm hồn.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN