Điều này có lẽ bắt nguồn từ văn hóa mặc rất đặc trưng của người Hà Nội: Đẹp trong sự nền nã, kín đáo chứ không phô trương, lòe loẹt. Nét văn hóa đặc trưng này luôn được gìn giữ ngay cả trong thời chiến tranh thiếu thốn, những năm bao cấp khó khăn hay trước cơn lốc của thời kỳ mở cửa. Mỗi thời kỳ lại có những trang phục riêng nhưng tất cả đều tuân theo “mẫu số chung” đó là sự thanh lịch.

Từ xa xưa, cái mặc đã là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người Tràng An, nhất là khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành Thăng Long từ 1.000 năm trước. Đây cũng là điều dễ hiểu khi lâu dài, cung điện, đền chùa, thành lũy được mọc lên với khí thế rồng bay, thì những vấn đề trang phục càng được chú trọng hơn ở Kinh thành mới này.

 

leftcenterrightdel
Thiếu nữ Hà Nội đoan trang trong tà áo dài

Khi ấy, có sự phân biệt trong trang phục của Vua, quan và dân chúng. Nam giới thuộc tầng lớp bình dân ăn bận giản dị, trang phục lao động thường ngày có thể vẫn là đóng khố, hoặc quần thâm, áo cổ tròn. Nữ giới thì mặc váy cho đến thời Minh Mạng. Có thể nói, trang phục bình dân hầu như không thay đổi nhiều trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc nói chung, cũng như lịch sử Kinh Đô Thăng Long nói riêng. Ngược lại, trang phục của tầng lớp quí tộc lại khá cầu kỳ. Nhìn chung, các triều đình phong kiến đều có những quy định chặt chẽ về trang phục như: Áo may phải theo kích thước dài, ngắn, rộng, hẹp và màu sắc do triều đình đặt ra. Như vậy, trang phục còn mang một chức năng nữa là phương tiện để tỏ rõ thứ bậc trên dưới, để biểu dương uy lực con người.

Bước sang thế kỷ 18-19, người Hà Nội càng chú ý đến cách ăn mặc, mà chất liệu là cái quan tâm đầu tiên. Chất liệu may áo ưa chuộng là The dệt bằng tơ tằm, hơi thưa, nhuộm thâm để mặc ngoài, có loại đơn mỏng và loại kép dày. Trang phục thể hiện đậm đà bản sắc dân tộc nhất và tồn tại lâu đời nhất là nữ phục. Theo các ghi chép lịch sử thì loại áo cổ nhất của phụ nữ Thăng Long có lẽ là áo tứ thân, sang hơn thì thêm một vạt để có thể cài khuy, nhưng lúc mặc vẫn thường chỉ dùng thắt lưng buộc chặt. Mặc áo tứ thân, phải thắt lưng bằng dải lụa màu, hay cái “ruột tượng”, là một cái bao hình ống dài có thể đựng tiền và vài thứ lặt vặt rồi buộc nút hai đầu lại. Nhà buôn thành thị, nhà giàu xứ quê, còn đeo vào thắt lưng một bộ “xà tích” bằng bạc với chiếc ống vôi nhỏ hình quả đào xinh xinh được trạm trổ tinh vi đựng thuốc lào, chùm chìa khóa... Mỗi bước đi, sợi xà tích như nói thầm điều gì đó, ấy là không kể những thứ nữ trang khác như kiềng, xuyến, vòng, hoa, hột, dây chuyền, lập lắc... Trời rét mặc hai ba lớp áo gọi là “áo mớ”, mỗi lớp áo trong chỉ để lộ ra một chút.

Thông thường, phụ nữ Tràng An mặc áo 5 khuy, tay rộng. Khi mặc, các cô chỉ cài 4 chiếc, để hở khuy cổ, khoe cái yếm cổ xây, hồ lơ trắng lốp, ôm lấy cái cổ trắng nõn nà cao ba ngấn. Dải yếm thì có bộ, nhiều màu, từ hồ thủy thiên thanh, đến mỡ gà, hoa đào - chỉ phơn phớt hoa đào chứ không nồng thắm như cánh sen...

Song song với y phục tuy cầu kỳ mà nền nã của phụ nữ, thì nam giới cũng có cách hào hoa trong lối mặc của mình với áo dài năm thân. Loại áo này có khuy tết chỉ hoặc khuy đồng, khuy bạc, khuy ngọc. Thông thường nam giới mặc áo the thâm dài, người hào hoa phong nhã thì mặc áo sa trơn, áo trong và quần màu trắng. Đến mùa lạnh, họ dùng áo kép “nhiễu” - một thứ lụa dệt sợi xe, dày, nổi cát, có thêm lần vải lụa hoa lót màu tươi; áo mềm được dựng ở giữa một lần vải thô cho dày hơn; áo bông dài và áo bông cộc trần quân cờ. Quần của nam thường bằng vải trắng, sang thì dùng lụa trắng Cổ Đô (nay thuộc huyện Ba Vì), thứ lụa từng được chọn để “tiến vua”. Nhiễu còn được nam giới ưa thích làm khăn đội vì quấn dễ chặt, ít bị sổ.

Sang trọng nữa, đàn ông, đàn bà mặc áo dài lụa trắng bên trong, ngoài lồng áo may bằng sa, xuyến hoặc băng. Sa dệt rất mỏng tạo nên những đường vân óng ánh trên nền trắng của áo trong. Xuyến cũng là một thứ sa, nhưng lại cả sợi dọc, cứ vài sợi mau lại có mấy sợi thưa, còn băng thì cài hoa lác đác. Vương hầu, quan chức thì dùng hàng đoạn, gấm, vóc.

Không biết từ bao giờ, áo tứ thân của các bà các chị đã được cải tiến thành áo dài, có lẽ đã hơn trăm năm. Ban đầu nó được gọi là áo tân thời. Trước năm 1954, phụ nữ trong các gia đình trí thức, tư sản cứ bước ra đường, dù chỉ là đi chợ cũng mặc áo dài. Thậm chí ở những gia đình buôn bán luôn có khách ra vào thì người phụ nữ trong gia đình đó cả khi ở nhà cũng mặc áo dài. Ngày lễ tết lại có những chiếc áo riêng, đẹp và sang trọng hơn. Con nhà giàu thì có áo dài màu, quần trắng. Người trung lưu hoặc đứng tuổi thì áo dài thắt vạt, vải đồng lầm. Phụ nữ lao động thì vẫn mặc áo tứ thân mớ ba mớ bẩy.

Nếu như ngày nay áo dài là cái đặc trưng cho Hà Nội, cho Việt Nam, thì khi mới ra đời nó lại bị nhiều gia đình phong kiến, Nho giáo phản đối. Thời điểm đó, họ cho rằng chiếc áo dài tôn lên vẻ đẹp của người con gái qua những đường cong trời phú là thứ y phục dành cho những người hư hỏng nên không cho con em mình mặc. Mãi đến nửa đầu thế kỷ 20, áo dài mới vượt qua được những định kiến đó để được người Hà Nội tiếp nhận và trở thành trang phục gắn bó với phụ nữ thủ đô. Giờ đây, chiếc áo dài dù có nhiều thay đổi nhưng vẫn được tôn vinh là trang phục đẹp nhất, là biểu tượng cho nét dịu dàng thanh lịch của phụ nữ Hà Thành nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung.

Bàn về “cái mặc” ở chốn Kinh Kỳ thì còn nhiều điều đáng nói lắm, nhưng suy cho cùng chữ “đẹp” trong cái mặc của người Hà Nội đầu tiên vẫn là sự phù hợp, phù hợp với hoàn cảnh, với vóc dáng, với tính chất công việc, với lứa tuổi. Người ăn mặc đẹp và lịch sự chính là tôn trọng mọi người và tôn trọng chính mình.

Rõ ràng, ăn mặc không đơn thuần là khoác lên mình cái quần, cái áo mà là nét văn hóa tồn tại lâu đời. Dù cho xã hội ngày càng phát triển nhưng cơn lốc thời hội nhập chưa xóa đi tất cả vẻ đẹp lịch sự, trang nhã trong phong cách ăn mặc của những người con trên mảnh đất rồng thiêng. Vẫn còn đó các thế hệ nơi Hà Nội 36 phố phường nối tiếp nhau giữ hồn túy đất Thăng Long văn hiến. Họ hòa nhập với thời cuộc cùng các loại váy áo theo xu hướng thời trang quốc tế, trẻ trung, hiện đại nhưng cũng không rời xa nét Tràng An thanh lịch, nơi mỗi vạt áo dường như vẫn còn vương vất hồn Thăng Long.

Bài, ảnh: ANH THÙY